Syria: Thêm một vụ thảm sát mới ở ngoại ô Aleppo

Ngày 22/6, các phần tử khủng bố đã tiến hành một vụ thảm sát ở khu vực ngoại ô tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria, giết chết 25 người.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Syria ngày 22/6 đưa tin các phần tử khủng bố đã tiến hành một vụ thảm sát ở khu vực ngoại ô tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria, giết chết 25 người.

Hãng thông tấn nhà nước SANA cho biết các nạn nhân này nằm trong số những người bị các tổ chức khủng bố có vũ trang bắt cóc ở tỉnh Aleppo và hiện vẫn chưa rõ số phận của nhiều người khác.

Trong khi đó, lực lượng đối lập ở nước này ngày 22/6 thông báo đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền ở một số thành phố, trong đó có cả vùng ngoại ô và một số khu vực ở thủ đô Damascus.

Tại thành phố điểm nóng Homs ở miền Trung, giao tranh giữa lực lượng quân đội và các phần tử chống đối đã ngăn cản nỗ lực giải cứu người dân bị kẹt trong các "vùng chiến sự" của các nhân viên Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC). ICRC cho biết hàng trăm người vẫn bị kẹt lại và các nhân viên của họ ngày 21/6 đã hai lần tìm cách vào thành phố Homs, song không thực hiện được vì lý do an ninh và đã trở về Damacus.

Văn phòng Liên hợp quốc phụ trách điều phối viện trợ nhân đạo (OCHA) cho biết hiện có khoảng 1,5 triệu người dân Syria cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp, trong đó, riêng tại thành phố Homs là 250.000 người. Con số này đã tăng lên so với ước tính một triệu người vào cuối tháng Ba vừa qua.

Trước đó, OCHA đã đạt được thỏa thuận với chính quyền Syria về lập bốn trung tâm viện trợ nhân đạo tại nước này để cung cấp hàng viện trợ thiết yếu cho người dân. Việc khảo sát để lập các trung tâm này tại bốn thành phố Idlib, Daraa, Homs và Deir Ezzor đã hoàn thành.

Cùng ngày 22/6, tại St. Petersburg, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp với người đồng cấp Syria Walid an-Muallem đang ở thăm Nga. Phát biểu sau cuộc găp, ông Lavrov cho biết Syria sẵn sàng rút quân khỏi các thành phố nếu lực lượng đối lập cũng đồng thời làm như vậy và việc rút quân nên được thực hiện dưới sự giám sát của quốc tế.

Ông cũng hối thúc cả Damacus và lực lượng đối lập hành động nhiều hơn nữa để thực thi kế hoạch hòa bình của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập Kofi Annan. Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh rằng số phận của Tổng thống Bashar al-Assad phải được quyết định bằng các cuộc bầu cử tự do ở nước này. Ông nói: "Chỉ có người dân Syria mới có thể quyết định được vận mệnh của nước mình, trong đó có số phận của các nhà lãnh đạo."

Liên quan đến vụ Đại tá không quân Al-Hamadeh đào thoát khỏi căn cứ không quân ở miền Nam Syria đến Jordan và đã được Jordan cho phép tị nạn chính trị, chính quyền của Tổng thống Assad lên án hành động này và coi Hamadeh là "kẻ đào tẩu," đồng thời yêu cầu Jordan hoàn trả chiếc máy bay trên.

Phản ứng trước tình hình bạo lực ngày càng gia tăng tại Syria, Anh đã từ chối cấp thị thực đến nước này cho Tướng Mowaffak Joumaa-người đứng đầu Ủy ban Olympic Syria, để tham dự Thế vận hội mùa Hè London 2012.

Ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ những thông tin cho rằng nước này là một trong số những quốc gia vận chuyển vũ khí cho lực lượng đối lập chống chính quyền Damacus.

Kể từ khi xảy ra các cuộc biểu tình gây bạo động chống lại chính quyền của Tổng thống Assad tháng Ba năm ngoái, đến nay xung đột đã làm hơn 15.000 người thiệt mạng, hơn 86.000 người Syria phải chạy sang các nước láng giềng Jordan, Iraq, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ để lánh nạn. Trong đó, riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nước vốn được xem là đồng minh cũ của chính quyền Damacus, số người tỵ nạn Syria là 32.750 người.

Thổ Nhĩ Kỳ còn cung cấp chỗ tạm trú cho 12 tướng Syria, những người đảo ngũ khỏi quân đội Syria để gia nhập lực lượng chống đối ở nước này./

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục