Bức tranh ảm đạm

Bức tranh cực kỳ ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu

Khủng hoảng nợ công đe dọa đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái mới tồi tệ hơn và phải mất ít nhất 5-10 năm mới có thể phục hồi.
Những tưởng dấu hiệu khởi sắc trong năm 2010 sẽ là cơ hội tốt để tạo đà cho nền kinh tế thế giới tăng trưởng sau ba năm vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, song thành quả chưa thấy đâu, kinh tế thế giới lại phải đối mặt với nhiều thách thức mới.

Khủng hoảng nợ công đã đẩy nhiều nước đến bờ vực phá sản, thậm chí đe dọa đẩy thế giới vào vòng xoáy của một cuộc suy thoái mới tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng vừa qua và phải mất ít nhất 5-10 năm mới có thể phục hồi.

Năm 2011 có thể coi là năm cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ hoành hành dữ dội, đe dọa tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ "bão nợ công" càn quét trên diện rộng là do những biến động tiêu cực của nền kinh tế thế giới cản trở nỗ lực của các định chế tài chính và các nhà lãnh đạo khu vực trong tiến trình giải quyết khủng hoảng.

Những ngày cuối năm, vòng xoáy nợ nần khó vãn hồi đã biến Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trở thành một “hố đen” tài chính, mà nhất cử, nhất động của nó đều tác động sâu sắc tới các thị trường tài chính thế giới.

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu, khiến cho chính trường nhiều nước ở "lục địa già" chao đảo, nhiều chính phủ phải giải tán và tồi tệ nhất là tác động tiêu cực tới quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh và trì trệ.

Không nằm ngoài vòng xoáy, mức nợ công của nền kinh tế đầu tàu thế giới Mỹ đã lên tới mức kỷ lục 15.000 tỷ USD, trong khi thâm hụt ngân sách của tài khóa kết thúc ngày 30/9/2011 lên tới 1.900 tỷ USD.

Việc cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế Standard & Poor's hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống còn AA+ kèm theo đánh giá triển vọng tiêu cực là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh ảm đạm hiện nay.

Không chỉ khiến hệ thống ngân hàng và các thị trường tài chính toàn cầu trở nên căng thẳng, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu và Mỹ còn đe dọa nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Không một nền kinh tế nào, dù là ở các nước có thu nhập thấp, các thị trường đang nổi, các nước có thu nhập trung bình hay các nền kinh tế siêu phát triển có thể “miễn dịch” trước cuộc khủng hoảng này.

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã cảnh báo về một viễn cảnh kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa và không một nền kinh tế nào trên thế giới, dù là những nước đang phát triển hay là các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến, có thể đứng ngoài vòng xoáy của khủng hoảng. Đây là một cuộc khủng hoảng đang lan rộng với những tác động ngày càng nghiêm trọng.

Bà đặc biệt quan ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, cho rằng tình trạng đình đốn kinh tế tại khu vực này và khủng hoảng tài chính mà châu Âu đang phải đối phó đã dẫn tới sự mất niềm tin ở quy mô quốc tế và châu Âu, có nguy cơ đẩy cỗ xe kinh tế toàn cầu vào vòng luẩn quẩn của suy thoái.

Nếu như coi năm 2010 là năm thành công ngoài mong đợi của con tàu kinh tế thế giới với mức tăng trưởng GDP cao hơn dự đoán - gần 5%, thì năm 2011 là năm thất bại của kinh tế toàn cầu.

Sau 12 tháng vượt sóng gió, "con tàu kinh tế" đã không về đích khi hầu hết các định chế tài chính thế giới đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống còn khoảng 3%, thấp hơn so với mức 3,6% dự báo trước đó.

Hầu hết các nhà phân tích khi đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế thế giới đều có chung nhận định rằng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm hơn nữa trong năm 2012, thậm chí chỉ ở mức chưa đến 2%.

Cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều cảnh báo, kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm tới, chủ yếu do tác động của bóng đen suy thoái tại các nền kinh tế phát triển cùng sự bất ổn trong môi trường chính sách.

Các nhà hoạch định kinh tế quan ngại các nước phát triển tiếp tục tăng trưởng ì ạch, nguy cơ sụp đổ của khu vực đồng euro hiện hữu, môi trường phát triển kinh tế tồi tệ, các biện pháp chính sách chưa hoàn thiện có thể khiến tình hình xấu hơn.

Khu vực đồng euro gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2012.

Tuy mức độ sâu rộng của suy thoái chưa thể dự báo chính xác, song việc khan hiếm tín dụng, những khó khăn nợ công, tình trạng thiếu sức cạnh tranh và chính sách tài chính khắc khổ tại nhiều nước báo trước một sự suy giảm nghiêm trọng của kinh tế thế giới. Đó là chưa kể sự bất bình đẳng gia tăng đang châm ngòi cho các cuộc biểu tình khắp nơi trên thế giới, sự bất ổn xã hội và chính trị có thể trở thành một nguy cơ nữa cho hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, các cuộc chiến tiền tệ đang diễn ra trên một số mặt trận là can thiệp ngoại hối, nới lỏng định lượng (in thêm tiền) và kiểm soát các luồng vốn vào. Với việc tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu hơn trong năm 2012, những cuộc chiến này có thể leo thang thành các cuộc chiến tranh thương mại.

Để duy trì tăng trưởng, các nước chi tiêu quá mức cần hạ giá đồng nội tệ thực tế và danh nghĩa để cải thiện cán cân thương mại, trong khi những nước thặng dư cần thúc đẩy nhu cầu nội địa, nhất là tiêu dùng.

Nhân loại đang bước vào một năm mới trong bối cảnh "các đám mây đen" nguy hiểm đang tích tụ trên bầu trời kinh tế thế giới. Nếu không phối hợp chặt chẽ, thiện chí, căn bệnh nợ công tồi tệ ở châu Âu cùng với những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục tạo ra những nguy cơ tiềm tàng đối với tất cả các nền kinh tế, đe dọa quá trình phục hồi.

Khi các chính phủ ngày càng khó thực thi việc phối hợp chính sách quốc tế do sự xung đột về quan điểm, mục tiêu và lợi ích của các nền kinh tế, thì việc giữ được đã phục hồi và đạt được tốc độ tăng trưởng lạc quan hơn là một điều vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2012./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục