Tiến Minh - vận động viên mang “hội chứng tâm lý”

Trong khi Hoàng Anh Tuấn ở môn cử tạ là tiêu biểu cho “hội chứng chủ quan”, thì Tiến Minh ở cầu lông lại bị “hội chứng tâm lý”.
Sau Hoàng Anh Tuấn ở bộ môn cử tạ được coi là tiêu biểu cho “hội chứng chủ quan”, thì Tiến Minh ở cầu lông lại là “hội chứng tâm lý”.

Tay vợt cầu lông số một Việt Nam đã bỏ dở giải Thomas Cup mà anh đại diện cho Tổ quốc về để lo visa đi Anh tham dự giải Cầu lông Series toàn Anh. Hầu như không ai phản đối, càng không gọi Minh là người lính bỏ chiến hào.

Không phải ai cũng được hậu thuẫn về mặt tinh thần lớn lao như thế. Bóng đá cũng không. Quần vợt không. Bóng bàn lại càng không.

Phản ứng đó cũng là sự kỳ vọng, ở một sự bứt phá nữa của Tiến Minh trên bảng xếp hạng cầu lông thế giới. Trong tất cả các môn thể thao mang tầm quốc tế, Tiến Minh và cầu lông lần lượt là cá nhân và môn thể thao duy nhất giúp cho Việt Nam có mặt trong tốp 10 thế giới.

Và nó cũng là sự khuyến khích, bởi Tiến Minh và cách làm của anh có sự chuẩn mực về tính chuyên nghiệp hay xét cả ở tiêu chí xã hội hóa thể thao: đầu tư cá nhân, tài trợ doanh nghiệp, một thày một trò, và hàng tuần (hoặc tháng) xách vợt đi khắp thế giới để thi đấu, tích lũy điểm số, kiếm tiền thưởng cùng những vinh quang. Lương và tài trợ bây giờ giúp Minh có chừng 100 triệu mỗi tháng, chưa kể tiền thưởng - một con số trong mơ.

Nhưng Tiến Minh lại dừng bước ngay ở vòng 1 ở giải đấu được coi là danh giá nhất trong hệ thống các giải cầu lông toàn thế giới. Giải All England có lịch sử hơn 100 năm và nếu không có lý do đặc biệt, nó luôn quy tụ không thiếu sót một tay vợt tài năng nào. Cũng như nhiều lần trước từng bị đo ván ở thế cửa trên, lần này anh thua tay vợt kém mình hơn chục bậc trên bảng xếp hạng là Kenichi (20, Nhật Bản).

Tiến Minh thất vọng. Dĩ nhiên! Một tay vợt chuyên nghiệp như anh phải coi nó như một cú sốc. Cầu lông Việt Nam thất vọng. Không thể khác. Sau Tiến Minh chưa có ai được kỳ vọng cả. Thể thao Việt Nam thất vọng. Chắc là như vậy. Tiến Minh là một trong những niềm hy vọng hiếm hoi có thể giúp chúng ta cải thiện được vị trí ở châu lục và Olympic.

Quảng Châu cuối năm nay, nơi Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) tổ chức có lẽ lại trông chờ vào cầu mây, vào mấy môn võ, chứ khó kỳ vọng ở cầu lông và Tiến Minh.

Cứ khi nào chúng ta kỳ vọng ở Tiến Minh và hễ giải nào mà anh chờ đợi ở chính anh và xác lập những mục tiêu rõ ràng, là anh lại thất vọng dễ dàng.

Asian Games 2006 ở Doha, khi đại đa số giới truyền thông Việt Nam còn đang hối hả tìm địa điểm anh thi đấu thì anh đã thua chóng vánh sau khoảng chừng 10 phút tranh tài.

Olympic Bắc Kinh 2008, Tiến Minh là một trong số ít những vận động viên giành vé chính thức để tham dự (đa phần là được đặc cách), rồi anh cũng gục ngã khi vẫn còn cách cửa thiên đường rất xa.

SEA Games 2009, khi tay vợt số một thế giới người Malaysia Lee Chong Wei vắng mặt không rõ lý do, anh là hạt giống số 1, thế mà cũng không có được dù chỉ tấm huy chương đồng.

Cũng có thể là Tiến Minh sau thất bại này lại bất ngờ đoạt được một danh hiệu ở giải đấu quốc tế nào đó. Vì đã có vài lần, khi không ai chờ đợi anh, thì anh lại thình lình mang Cúp về Việt Nam. 

Nhưng suy cho cùng, đó cũng là một trong những biểu hiện của điểm yếu chí mạng ở tay vợt này: tâm lý, bản lĩnh, sợ hãi khi đứng trước các sức ép.

Và lớn hơn, vấn đề nằm ở chỗ, dù chúng ta biết rõ về Tiến Minh, hiểu rõ về Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), biết họ là hai đại diện tiêu biểu cho hai loại “hội chứng tâm lý” và “hội chứng chủ quan”, thì thể thao Việt Nam vẫn phải kỳ vọng và đầu tư tối đa. Vì phía sau vẫn chưa có ai khác.../.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục