Chứng khoán châu Á tăng bất chấp mối lo "nợ công"

Trong phiên giao dịch 26/7, chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đồng loạt tăng điểm, song hoạt động mua bán diễn ra có phần thận trọng.
Trong phiên giao dịch ngày 26/7, chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đồng loạt tăng điểm, song hoạt động mua bán diễn ra có phần thận trọng hơn do giới đầu tư tiếp tục hướng sự chú ý tới Mỹ, khi các nhà lập pháp nước này vẫn đang "đau đầu" tìm ra một tiếng nói chung trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách và nâng mức trần nợ công, giúp nền kinh tế số một thế giới thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 47,71 điểm, tương đương 0,47%, lên 10.097,72 điểm, trong bối cảnh tỷ giá đồng yên đi lên nhờ một loạt kết quả báo cáo kinh doanh tích cực của nhiều hãng sản xuất ôtô và một số nhà chế tạo khác như Canon, Kao.

Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX200 của Australia tăng mạnh 42,9 điểm (0,95%) lên 4.573,3 điểm. Không nằm ngoài xu hướng trên, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng chứng kiến mức tăng 18,22 điểm, tương đương 0,85% và đóng cửa ở mức 2.168,70 điểm.

Sắc xanh cũng bao trùm hai thị trường chứng khoán chủ chốt của Trung Quốc là Thượng Hải và Hong Kong, khi mà chỉ số Composite và Hang Seng cũng lần lượt tăng 0,2% và 0,98%, sau khi sụt giảm gần 3% trong phiên giao trước đó, do tác động của vụ tai nạn đường sắt cao tốc xảy ra tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cuối tuần trước.

Tuy nhiên, đêm trước đó (25/7) tại Mỹ, hầu hết các chỉ số chứng khoán Phố Wall đều đi xuống, do Washington vẫn bế tắc trong việc nâng mức trần nợ công trước hạn chót là ngày 2/8 tới, nhằm tránh nguy cơ bị vỡ nợ.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 88,36 điểm, tương đương 0,70%, đóng cửa ở mức 12.592,80 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 7,59 điểm (0,56%) xuống 1.337,43 điểm; trong khi chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 16,03 điểm, hay 0,56%, xuống 2.842,80 điểm.

Đáng chú ý là giá cổ phiếu của ba ngân hàng Bank of America, Morgan Stanley và JPMorgan Chase lần lượt giảm 1,2%, 2,5% và 1,2%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại BlackBerry cũng giảm 4,4%, sau khi hãng thông báo cắt giảm 2.000 việc làm.

Chuyên gia Andrea Kramer thuộc Công ty nghiên cứu đầu tư Schaeffer cho hay: "Chứng khoán Mỹ lao dốc trong bối cảnh những lo ngại về tình hình nợ công tại hai bờ Đại Tây Dương ngày càng gia tăng, khiến các nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn."

Bên cạnh đó, việc hãng xếp hạng tín dụng Moody's vừa quyết định hạ 3 bậc xếp hạng trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ và nội tệ của Hy Lạp từ Caa1 xuống Ca, cũng khiến nhiều nhà giao dịch lo ngại rằng các cuộc tranh cãi tại Quốc hội Mỹ nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách và nâng mức trần nợ công lên 14.300 tỷ USD có nguy cơ kéo dài và không thể đạt được thỏa thuận chung trước ngày 2/8.

Cũng trong phiên giao dịch 25/7, các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Âu lại diễn biến không đồng nhất. Tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,16% xuống 5.925,26 điểm. Trong khi tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 tăng 0,25%, đóng cửa ở mức 7.344,54 điểm. Tuy nhiên, chỉ số CAC 40 của Pháp lại giảm 0,77% xuống 3.812,97 điểm.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục