Phát hiện đồ trang sức bằng thủy tinh từ thời La Mã

Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện một số đồ trang sức bằng thủy tinh có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại trong một ngôi mộ cổ.
Các nhà khoa học Nhật Bản mới đây đã phát hiện một số đồ trang sức bằng thủy tinh có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại tại một ngôi mộ cổ, được xây từ thế kỷ thứ năm và vừa được khai quật ở khu vực Nagaoka, gần cố đô Kyoto.

Theo các nhà khảo cổ thuộc Viện nghiên cứu di sản văn hóa quốc gia Nara Nhật Bản, kết quả kiểm nghiệm ba chiếc vòng hạt cườm bằng thủy tinh khai quật được tại khu lăng mộ Utsukushi ở Nagaoka cho thấy đó là những món đồ trang sức được chế tạo bởi thợ thủ công La Mã vào khoảng thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ tư sau Công nguyên.

Các hạt cườm bằng thủy tinh, có đường kính 5mm và được tạo nên bởi những mảnh nhỏ sáng lấp lánh, được chế tác với khoáng trắng, một hóa chất thường được thợ thủ công La Mã sử dụng để làm tan chảy thủy tinh.

Đây là một trong những phương pháp phổ biến được áp dụng dưới thời La Mã từ năm 27 trước Công nguyên tới năm 1453. Các hạt cườm đều được khoan một lỗ nhỏ bằng phương pháp cắt đa lớp-một kỹ thuật vô cùng tinh vi được sử dụng trong quá trình tạo lớp cho thủy tinh.

Nhà nghiên cứu Tomomi Tamura cho biết đây là một trong những đồ trang sức bằng thủy tinh đa lớp cổ xưa nhất được tìm thấy tại Nhật Bản. Điều này chứng tỏ từ xa xưa, ảnh hưởng của nền văn minh La Mã cổ đại đã vươn tới tận vùng Viễn Đông của châu Á.

Đế chế La Mã cổ đại tập trung ở khu vực biển Địa Trung Hải và vươn rộng về phía Bắc châu Âu, tới tận lãnh thổ nước Anh ngày nay. Vì vậy, khi các đồ trang sức La Mã được tìm thấy tại Nhật Bản, nơi cách Italia ngày nay tới 10.000 km là điều đáng ngạc nhiên.

Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu về cuộc "phiêu lưu" từ La Mã cổ đại đến xứ Phù Tang của những đồ trang sức nhỏ bé trên./. 

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục