"Cần ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm"

Thảo luận Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đa số đại biểu QH đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật.
Chiều 24/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đa số ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời cũng là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Băn khoăn chọn tên cho Luật

Thảo luận về tên gọi của Dự án Luật, có ý kiến cho rằng tên gọi “Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” là phù hợp với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Dự án Luật.

Một vài đại biểu cho rằng sử dụng tiết kiệm năng lượng sẽ đương nhiên dẫn đến hiệu quả nên không cần tên gọi dài như Dự án mà chỉ cần lấy tên "Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm" là đủ. Tuy nhiên cũng có đại biểu không tán thành vì cho rằng chưa chắc sử dụng tiết kiệm đã mang lại hiệu quả.

Đại biểu không đồng tình với việc giải thích từ ngữ "năng lượng" trong dự án Luật dẫn đến tên gọi của Luật cũng không phù hợp. Theo đại biểu thì nên sử dụng tên "Luật sử dụng điện và nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả".

Một số ý kiến khác đề nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật gồm cả lĩnh vực khai thác tài nguyên năng lượng, sản xuất năng lượng... Với phạm vi điều chỉnh như vậy thì nên đặt tên là Luật sử dụng tiết kiệm năng lượng.

Còn có ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh

Theo Tờ trình của Chính phủ, các hoạt động như khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng và sản xuất ra năng lượng (chủ yếu là điện) đã được điều chỉnh bởi các luật về khoáng sản, điện lực, dầu khí và năng lượng nguyên tử nên không điều chỉnh ở Luật này.

Dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng. Xung quanh lập luận này, có đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật cần phải bao hàm cả trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm trong giai đoạn khai thác và sản xuất.

Vì vậy, Luật phải điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ quá trình bắt đầu từ khai thác, sản xuất ra các nguồn năng lượng cho đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng.

Những đại biểu có cùng quan điểm với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì cho rằng cần bổ sung một số điều quy định về trách nhiệm của Nhà nước về xây dựng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; sử dụng hợp lý, hài hòa nguồn năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích hoạt động điều tra cơ bản về tiềm năng năng lượng tái tạo; đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo ở Việt Nam; bổ sung một số điều về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ.

Có đại biểu đánh giá phạm vi điều chỉnh thể hiện trong luật chưa rõ ràng; đề nghị bổ sung thêm lĩnh vực tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Ngoài những vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của Dự án Luật, như đánh giá Dự án Luật có quá nhiều quy định chung chung, mang tính hô hào, vận động, khuyến khích là chủ yếu, không có tính bắt buộc nên khó thực hiện, làm giảm tính khả thi của Dự án Luật.

Ngoài ra nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để bố cục Dự án Luật chặt chẽ và hiệu quả hơn; cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, chế độ ưu đãi đối với việc sử dụng năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục