Sinh viên háo hức lần đầu tiên trong đời bỏ phiếu

“Lần đầu tiên đi bầu cử, em thấy rất xúc động và vinh dự. Em 19 tuổi, đã là một công dân trưởng thành!” Nguyễn Quỳnh Trang nói như reo.
“Lần đầu tiên đi bầu cử, thực hiện quyền công dân, em rất xúc động, cảm thấy vinh dự, và ý thức được rằng mình đã thực sự trưởng thành. Em 19 tuổi, là một công dân trưởng thành!” Nguyễn Quỳnh Trang, sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội nói như reo.

Trang kể, từ mấy ngày trước, khi trường bắt đầu dán danh sách và tiểu sử các đại biểu, Trang và các bạn đã ùa ra xem. Hàng ngày, cứ đến giờ đi học về, tại các điểm dán danh sách đại biểu lại chật kín sinh viên. “Tụi em đọc rất kỹ và có lựa chọn cho riêng mình, sáng nay đến chỉ cần bỏ phiếu,” Trang vừa nói, vừa cười vui vẻ với những người bạn cùng lớp đang đứng cạnh.

Với Trang cũng như hầu hết các sinh viên, lần đầu đi bỏ phiểu là thể hiện sự đóng góp một phần công sức nhỏ bé để xây dựng quê hương đất nước giàu manh, xã hội dân chủ công bằng văn minh.

Ngay từ sáng sớm nay, tại khu vực bầu cử của các trường Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện báo chí và tuyên truyền, Đại học Kiến trúc Hà Nôi, Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại giao… sinh viên xếp hàng để vào bầu cử trong không khí hân hoan, háo hức.

Chị Hà, tổ trưởng tổ bầu cử của 3 trường Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại giao, Học viên Thanh thiếu niên cho biết, ba trường có khoảng 830 cử tri. Để làm tốt công tác bầu cử hôm nay, tổ đã phải chuẩn bị từ một tháng trước.

Với sự chuẩn bị chu đáo ấy, ngay từ cổng trường, đã có thể cảm nhận được không khí náo nức của ngày hội non sông với hàng loạt băng rôn, cờ phướn bay phấp phới.

Hòa trong sắc đỏ của cờ là sắc xanh của màu áo tình nguyện. Từ mờ sáng, các bạn sinh viên tình nguyện đã đến và chuẩn bị sẵn sàng. Tình nguyện viên cẩn thận sắp xếp cử tri sinh viên thành từng nhóm 6 người vào khu vực bỏ phiếu.

Cử tri mặc dù rất háo hức và nóng lòng vào tham gia bầu cử nhưng vẫn rất có ý thức xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt mình.

Nguyễn Ngọc Tú, sinh viên Đại học Kiến Trúc Hà Nội cho biết, em thấy rất tự hào và xúc động trong không khí bầu cử tưng bừng sáng nay. “Bật mí” về cách thức chọn đại biểu của mình, Tú bảo, trước hết em lựa trọn theo trình độ học vấn, các thành tích đã đạt được, chức vụ họ đang làm và “em hy vọng đại biểu sẽ giúp đất nước phát triển lớn mạnh hơn và thực sự là người đại diện cho ý kiến của người dân.”

Năng lực của đại biểu cũng là tiêu chí ưu tiên của Hoàng Ngọc Quyên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi bỏ lá phiếu bầu cử. Theo Quyên, việc lựa chọn đại biểu phải dựa trên những thành tích cao đã đạt được trong lĩnh vực họ phụ trách. Mỗi đại biểu trước hết phải làm tốt vai trò, trách nhiệm mà mình đang được giao.

Đặc biệt, đa số các bạn trẻ đều ưu tiên các đại biểu trẻ, các đại biểu trong ngành giáo dục với mong muốn các đại biểu có thể giải quyết những vấn đề gần gũi và thiết thực với sinh viên.

“Tiêu chí lựa chọn đại biểu của em là dựa vào nghề nghiệp, chức vụ hiện tại, trình độ. Em ưu tiên lựa chọn những đại biểu trẻ, làm ngành giáo dục và y tế với mong muốn những đại biểu này sẽ giúp nâng cao chất ượng giáo dục, y tế. Em kỳ vọng rằng những đại biểu được lựa chọn sẽ có những quyết định đúng, hợp ý, hợp thời và hợp lòng dân. Họ sẽ là những người có tầm, có tài và có tâm,” Nguyễn Thu Hằng, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ.

Nguyễn Quỳnh Trang, sinh viên Đại học Ngoại thương cũng kỳ vọng những đại biểu trẻ sẽ mang tiếng nói của người trẻ để đóng góp ý kiến thiết thực giải quyết những vấn đề của giới trẻ như việc làm sau khi ra trường, thay đổi phương pháp giáo dục, tạo điều kiện và môi trường tốt nhất cho giới trẻ phát triển.

“Thật hạnh phúc khi thấy mình đang trực tiếp được lựa chọn những người tài năng, sáng suốt để phụng sự đất nước đi lên,” Trang xúc động nói.

Theo chị Hà, điểm bầu cử tại các trường đại học, ký túc xá sẽ kết thúc vào 15 giờ chiều nay, nhưng với sự háo hức và nô nức đi bầu cử của các bạn sinh viên, có lẽ việc bầu cử của một số trường sẽ hoàn tất chỉ trong buổi sáng nay./.

(Hồng Kiều/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục