Niềm tự hào khăn xếp

“Niềm tự hào khăn xếp” của người Sikh tại Ấn Độ

Chiếc khăn xếp là biểu tượng dễ nhận thấy nhất của người theo đạo Sikh, nhưng nó cũng khiến họ đôi khi bị nhầm với người Hồi giáo.
Một lớp học cách quấn khăn vào buổi tối tại thành phố Amritsar của Ấn Độ, nơi những người Sikh sinh sống, được mở ra để những cậu bé theo học một truyền thống đã có từ nhiều thế kỷ - mà những chức sắc tôn giáo đang lo sợ nó sẽ bị mai một đi. Trong vòng hơn 90 phút, người hướng dẫn sẽ trải những mảnh vải dài có màu sắc rực rỡ từ màu chàm đến đỏ tía, và dần thắt nút lại, và cuối cùng buộc chúng một cách cẩn thận quanh đầu các cậu bé. Là biểu tượng dễ thấy nhất của niềm tự hào và bản sắc của đạo Sikh, chiếc khăn có độ dài 8m, giúp những người Sikh bảo vệ mớ tóc dài mà theo tôn giáo của mình, họ không được phép cắt. Nhưng tại Ấn Độ, những người Sikh trẻ tuổi đang ngày càng chạy theo thời trang chứ không theo truyền thống, họ cắt tóc ngắn và tránh xa những chiếc khăn quấn đầu. Truyền thống này đã bị cộng đồng người Sikh ở các đất nước khác như Mỹ từ bỏ, bởi tại đó họ bị tấn công do người ta hiểu lầm rằng những chiếc khăn xếp chứng tỏ họ là những người Hồi giáo cực đoan. Đó cũng là động cơ dẫn đến các vụ xả súng gần đây tại một ngôi đền của người Sikh ở tiểu bang Wisconsin của Mỹ, nơi một tay súng bị cáo buộc có liên quan đến các vụ phân biệt sắc tộc – đã bắn chết 6 người thờ cúng trong đền. Mất 2 tuần để học quàng khăn Các cậu bé người Sikh sẽ quàng khăn xếp khi họ tới tuổi vị thành niên, và cậu bé Upneet Singh, 12 tuổi, bắt đầu tham dự vào “phòng khám khăn xếp,” như cách gọi các lớp học tại Amritsar, trong khoảng 2 tuần. “Tôi tới học tại một ngôi trường tôn giáo, nơi khăn xếp là bắt buộc ở tuổi của tôi, bởi vậy tôi tới đây để học cách quấn khăn,” cậu nói. Điều quan trọng là các quan sát viên người Sikh trong quân đội Ấn Độ cũng đã đội chúng thay vì đội mũ bảo vệ ngay cả trong những tình huống chiến đấu trên tiền tuyến. Đối với các nhà lãnh đạo tôn giáo như Avtar Singh, việc từ bỏ khăn xếp tương đương với từ chối cách sống của người Sikh. “Khăn đóng là bản sắc của người Sikh, đó là dấu hiệu của lòng tự trọng của chúng tôi, là niềm tự hào của chúng tôi,” người đàn ông 71 tuổi với bộ râu quai nón đã cho AFP biết như vậy tại văn phòng của mình gần ngôi đền. “Không một ai có thể hoàn toàn là một người Sikh nếu thiếu khăn đội đầu,” Singh khẳng định, và đổ lỗi cho sự ảnh hưởng ngày càng tăng của văn hóa phương Tây đã phá hoại truyền thống tôn giáo trong cộng đồng hơn 20 triệu người Sikh tại Ấn Độ. “Chúng ta sống trong một môi trường rất phương Tây. Và ngày nay, những bậc cha mẹ người Sikh đã không dạy con cái mình đầy đủ về lịch sử của chúng tôi, bởi vậy chúng không hiểu về phong tục của mình,” ông nói.

Những chiếc khăn Sikh có độ dài tới 8m (Nguồn: AFP)
Nhân viên cửa hàng, Manjinder Singh, đã cắt mái tóc mình lần đầu tiên vào 7 năm trước, khi anh 15 tuổi. “Tôi cắt nó bởi vì tóc ngắn trông thời trang hơn và hiện đại hơn,” anh cho AFP biết, khi ngồi xuống cắt tóc tại một cửa hàng cắt tóc địa phương. “Cha mẹ tôi không hài lòng, nhưng họ đã từ bỏ những cố gắng để thay đổi suy nghĩ của tôi,” anh nói. Nếu một số người theo đạo Sikh sẵn sàng gạt bỏ khăn xếp bởi những lý do về thời trang, thì còn những người lại bắt buộc phải làm vậy để tự bảo vệ mình.
Bỏ khăn để bảo vệ bản thân
Vụ ám sát thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi vào năm 1984 do những vệ sỹ người Sikh của bà thực hiện đã gây ra một cuộc tàn sát nhằm vào người Sikh, khiến hàng ngàn người thiệt mạng, và rất nhiều người Sikh đã phải cắt tóc và cạo râu để thoát khỏi các vụ bạo lực này. Jaswinder Singh, người 15 tuổi trong thời điểm diễn ra cuộc bạo loạn, cho biết đó là một bước ngoặt cá nhân để ông củng cố đức tin của mình. “Bởi vì nhiều người Sikh đã chết khi tôi còn trẻ, nó khiến tôi nhận ra rằng tôi muốn trưởng thành và làm một điều gì đó cho đức tin của mình, cho cộng đồng của mình,” ông nói với AFP. Vào năm 1997, khi ông bắt đầu chú ý đến những người Sikh trẻ tuổi thường xuyên lui tới các hiệu cắt tóc, ông hiểu rằng mình đã tìm được động cơ cho mình, và vào năm 2003, ông đã thiết lập phong trào “niềm tự hào khăn xếp,” bao gồm các lớp hướng dẫn cách quàng khăn xếp.

Nhiều người theo đạo Sikh đã cắt tóc, cạo râu (Nguồn: AFP)
Theo Singh, hiện nay gần một nửa số người Sikh trẻ tuổi tại Punjab đã đội khăn xếp, và ông lập nên các lớp hướng dẫn như một phần của các nỗ lực đa phương để đưa họ trở lại với tôn giáo của mình. Singh nói rằng lớp học của ông, được tổ chức 6 ngày một tuần, thường kín chỗ và đem lại những thành công lớn, mở đường cho khoảng 50 lớp học tương tự như vậy được những người Sikh khác thiết lập nên ở Punjab. Ngoài ra, Singh còn tổ chức các cuộc thi xếp khăn, đọc thơ theo chủ đề khăn xếp, và một cuộc thi sắc đẹp có tên “Mr. Singh quốc tế” dược mở chỉ dành cho những người Sikh đội khăn xếp. Ông cũng thiết lập nên nhiều lễ kỷ niệm về khăn xếp được gọi là “dastar bandi,” theo truyền thống được tổ chức để đánh dấu khi nào một câu bé người Sikh đến tuổi trưởng thành. Mặc dù bandi dastar được sử dụng như một sự kiện quan trọng cuộc cuộc đời mỗi người đàn ông Sikh, nó đã dần trở nên mai một khi các gia đình từ bỏ truyền thống. Theo kế hoạch của Singh, hàng chục trẻ em trai sẽ tham gia các nghi lễ hàng tháng, khi các thầy tu và các chức sắc tôn giáo khác quấn chặt khăn xếp xung quanh đầu chúng trong tiếng tụng kinh.
Mất khăn là mất tôn giáo
Trong một nỗ lực để đảm bảo rằng các chàng trai không từ bỏ khăn xếp để có được những lựa chọn thú vị hơn, Singh đã phát triển một chương trình tin học – Smart Turban 1.0 – cho thấy 60 cách khác nhau để quấn một chiếc khăn. “Nếu một thanh niên Sikh mất chiếc khăn xếp ngày hôm nay, và có lẽ ngày mai cậu ta sẽ từ bỏ cả tôn giáo của mình, đó là những điều tôi lo sợ,” ông cho AFP biết.

Các em nhỏ đạo Sikh tham dự một lớp học bảo tồn giáo lý (Nguồn: AFP)
“Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải bảo tồn khăn xếp. Đó không phải chỉ là một chiếc khăn, đó là yếu tố để tạo nên một người Sikh.” Singh nói rằng ông thông cảm với những người Sikh sống ở nước ngoài phải đối mặt với những thách thức của việc đồng hóa, và cảm thấy rằng việc quấn khăn xếp có thể khiến họ dễ bị tổn thương.” “Tôi hiểu lý do tại sao các thành viên của cộng đồng người Sikh sẽ lo lắng và suy nghĩ về việc từ bỏ khăn xếp,  bởi vì lo sợ rằng mình sẽ bị tấn công. Nhưng tôi hy vọng họ sẽ không làm điều đó.” “Trong lịch sử, người Sikh đã bị tấn công nhiều lần trước đó và bất cứ khi nào chúng ta bị tấn công, chúng ta đều đoàn kết lại và trở nên mạnh hơn, đức tin của chúng tôi trở nên mạnh mẽ hơn,” ông nói./.
S.N (Vietnam)

Tin cùng chuyên mục