Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam

Hội thảo quốc tế  “Chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay” diễn ra hai ngày 22-23/4 tại thành phố Cần Thơ.
Hội thảo quốc tế “Chính sách pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay,” diễn ra trong hai ngày 22-23/4, tại thành phố Cần Thơ.

Đại diện các bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và địa phương; một số nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành của một số viện, trường đại học trong và ngoài nước đã tham gia hội thảo này do Viện Nhà nước và pháp luật (ISL) phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS) của Đức tại Việt Nam tổ chức.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, tại hội thảo sẽ có những tiêu chí đánh giá được nêu ra và tổng hợp ý kiến đóng góp, phản ánh, kiến nghị từ các nhà khoa học, những người thực thi chính sách pháp luật ở cơ sở về thực trạng chính sách an sinh xã hội Việt Nam.

Những chính sách an sinh như Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội… để từ đó có những định hướng bổ sung cần thiết, sát hợp thực tế góp phần hoàn thiện hơn những vấn đề liên quan đến thực thi các chính sách về an sinh xã hội Việt Nam trong giai đoạn  2011-2020.

Hiện ở Việt Nam vẫn còn 62 huyện thuộc 20 tỉnh được xếp vào diện nghèo nhất cả nước. Kết quả khảo sát ở các địa phương cho thấy, tính đến cuối năm 2009, tổng số hộ cận nghèo cả nước còn gần một triệu hộ với trên 3,5 triệu nhân khẩu. Một bộ phận không nhỏ dân cư cũng đang ở mức cận nghèo và có hàng triệu người đang mất việc hoặc việc làm không ổn định....

Ông Amos Helms, đại diện Viện KAS tại Việt Nam cho rằng trong giai đoạn hiện nay, có vấn đề nào quan trọng hơn là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật an sinh xã hội tại Việt Nam. Việt Nam có các chính sách bảo hiểm cho dân cho thấy một chế độ ưu việt làm cho đời sống người dân ngày càng được bảo vệ và cải thiện tốt hơn.

Các nhà làm luật khi xây dựng chính sách an sinh xã hội đều hướng đến mục tiêu phải bảo đảm mức an sinh tối thiểu, bảo đảm mức sống tối thiểu cho các thành viên trong xã hội, bảo vệ họ có thể tồn tại ổn định trước những cú sốc về kinh tế cũng như về môi trường./.

Khánh Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục