Argentina xét xử phi công "những chuyến bay tử thần"

Argentina sẽ tiến hành xét xử các bị cáo tham gia vào những chuyến bay đã thả hàng trăm người đối lập còn sống xuống biển.
Ngày 27/9, luật sư Rodolfo Yanzón cho biết vào ngày 25/10 tới Argentina sẽ tiến hành phiên tòa xét xử các bị cáo tham gia vào "những chuyến bay tử thần," những chuyến bay đã thả hàng trăm người đối lập còn sống xuống biển trong thời kỳ độc tài Jorge Videla (1976-1983).

Phiên tòa đưa ra cáo buộc với 67 nhân viên của trại tập trung Trường cơ khí vũ trang (ESMA), một trung tâm bắt giữ và thủ tiêu những người chống đối chế độ độc tài. Suốt thời kỳ trên, trong hơn 5.000 người đối lập đã bị bắt giữ tại ESMA chỉ có 100 người sống sót.

Phiên xét xử sẽ đưa ra các trường hợp của tu sỹ người Pháp Léonie Duquet và các sáng lập viên của Tổ chức các bà mẹ quảng trường tháng 5 (gồm Azucena Villaflor, Esther Ballestrino và Eugenia Ponce), những người đã bị ném xuống biển từ các máy bay quân sự và thi thể được tìm thấy tại một bờ biển phía Nam của Buenos Aires.

Trong 7 bị cáo của "những chuyến bay tử thần" có trung úy hải quân về hưu Julio Alberto Poch, 57 tuổi, quốc tịch Hà Lan, định cư tại Hà Lan và hành nghề phi công dân sự. Poch đã bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt ngày 23/9/2009, tại phi trường Valence và được dẫn giải về Argentina vào tháng 5/2010.

Toàn bộ 60 bị cáo còn lại sẽ phải trả giá với tội ác diệt chủng nhân loại tại ESMA, trong đó có cựu đại úy hải quân Alfredo Astiz (biệt danh "Thiên thần tóc vàng của thần chết"), kẻ đã tham gia trong chiến dịch bắt cóc 4 phụ nữ, cũng như một nữ tu sỹ người Pháp khác là Alice Domon, hiện vẫn mất tích.

Trước đó, vào tháng 10/2011 trong phiên tòa đầu tiên xét xử những tội phạm trong ESMA, Astiz và chỉ huy của mình Jorge Acosta (biệt danh "Con hổ") cùng với 9 cựu binh khác đã bị kết án chung thân.

Theo các tổ chức nhân quyền, khoảng 30.000 người đã mất tích trong giai đoạn chế độ độc tài quân sự nắm quyền tại Argentina./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục