Hồi sinh dự án nhà máy điện hạt nhân Belene

Ngày 30/11, Tập đoàn Rosatom của Nga và Công ty điện lực quốc gia Bulgaria đã ký bản ghi nhớ dự án nhà máy điện hạt nhân Belene.
Ngày 30/11, tại thủ đô Sofia của Bulgaria, Tập đoàn Rosatom của Nga và Công ty điện lực quốc gia Bulgaria NEK đã ký kết bản ghi nhớ về dự án nhà máy điện hạt nhân Belene - NPP trong một nỗ lực làm hồi sinh dự án quan trọng này.

Nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW này được phê duyệt năm 2005 nhằm bảo đảm sự ổn định cung ứng điện trong nước và xuất khẩu điện của Bulgaria, sau khi nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Bulgaria là Kozloduy đã bị Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh đóng cửa vì lý do an toàn.

Năm 2006, Công ty xuất khẩu năng lượng nguyên tử Nga - chi nhánh của Rosatom, đã thắng thầu gói thầu thiết kế, thi công và khai thác lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ số 1 và số 2 của nhà máy điện hạt nhân Belene.

Tuy nhiên, sau khi đảng GERB của Thủ tướng Boyko Borisov lên nắm quyền vào tháng 7 năm 2009 cũng như do vấn đề kinh phí, dự án NPP đã bị đóng băng.

Theo các quan chức Nga và Bulgaria, công ty chịu trách nhiệm thực hiện dự án sẽ được thành lập trong vòng bốn tháng tới. Công ty này sẽ là chủ sở hữu NPP, song nhà máy điện hạt nhân này sẽ do một công ty thắng thầu xây dựng.

Người đứng đầu Rosatom, ông Sergei Kirienko, cho biết chi phí thực hiện dự án, được các cổ đông tương lai chấp thuận, sẽ không vượt quá 6,298 tỷ euro ( 8,19 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, chi phí thực tế để thực hiện dự án này sẽ trội hơn khoảng 4 tỷ ơrô so với kế hoạch, có thể lên tới 9 tỷ euro.

Cho đến nay, NEK giữ 51% cổ phần của nhà máy điện hạt nhân Belene, còn 40-45% là do Rosatom nắm, tuy nhiên, tỷ lệ này có thể thay đổi bởi Nga sẵn sàng đầu tư toàn bộ kinh phí để xây dựng nhà máy điện hạt nhân này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục