Ấn Độ đã tạo hơn 100.000 việc làm CNTT tại Mỹ

Bộ phận thuê ngoài trong CNTT Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi số việc làm họ tạo ra ở Mỹ trong 5 năm qua và nay sử dụng hơn 100.000 người.
Bộ phận thuê ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi số việc làm họ tạo ra ở Mỹ trong 5 năm qua và nay sử dụng hơn 100.000 người.

Hiệp hội các công ty phần mềm và dịch vụ quốc gia Ấn Độ (Nasscom) mới đây cho biết lực lượng lao động trong các công ty IT của Ấn Độ tại Mỹ đã tăng từ 58.000 người trong năm 2005-2006 lên 107.000 người trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2011.

Nghiên cứu này là một nỗ lực nhằm chống lại sự chỉ trích cho rằng các công ty thuê ngoài của Ấn Độ chịu trách nhiệm về tình trạng mất việc làm ở Mỹ, giữa lúc làn sóng bảo hộ ngành công nghiệp trong nước đang dâng cao như thường lệ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Trong báo cáo của mình, Nasscom khẳng định “trong thời kỳ suy thoái, các công ty Ấn Độ đã có thể tạo thêm việc làm và tuyển dụng người địa phương ở Mỹ thay vì cắt giảm số nhân viên.” Họ đã đầu tư 5 tỷ USD thông qua 128 thương vụ từ 2007-2011.

Ngành công nghiệp IT của Ấn Độ, tập trung tại Trung tâm công nghệ Bangalore, đảm nhận một loạt vị trí công việc cho các công ty phương Tây như trả lời cuộc gọi của khách hàng ngân hàng, giải quyết yêu cầu bảo hiểm, làm kế toán và phát triển phần mềm.

Sở hữu lực lượng lao động nói tiếng Anh, Ấn Độ chiếm ít nhất 50% thị trường thuê ngoài toàn cầu.

Các khách hàng Bắc Mỹ và châu Âu đóng góp gần 80% thu nhập cho lĩnh vực IT ở Ấn Độ, gồm các công ty lớn như BP, Proctor and Gamble, Citibank, Deutsche Bank và Volkswagen. Năm 2010, bang Ohio của Mỹ đã cấm thuê người Ấn Độ làm việc trong các dự án về công nghệ thông tin của chính quyền để giải quyết tình trạng thất nghiệp.

Các nghị sỹ Mỹ cũng đang cân nhắc những đề xuất như hạn chế việc giảm thuế cho những công ty thuê ngoài hoặc không cấp thị thực cho những lao động lành nghề từ Ấn Độ.

Hầu hết các công ty thuê ngoài trong lĩnh vực phần mềm của Ấn Độ đều công bố các mức lợi nhuận cao trong quý 3 nhưng cho rằng triển vọng toàn cầu vẫn khó khăn./.

Huy Lê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục