Phương Tây bế tắc trong việc đối phó với Myanmar

Cuộc đàm phán gần đây giữa Mỹ với chế độ quân sự Myanmar không đem lại kết quả và cũng không có gì mới trên “mặt trận phương Tây.”
Mạng tin Hongkong Asia Sentinel cho rằng cuộc đàm phán được nối lại gần đây giữa Mỹ với chế độ quân sự Myanmar đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhưng cho đến giờ, những đàm phán như vậy vẫn không đem lại được kết quả gì cụ thể.

Tình trạng này không làm ai ngạc nhiên. Ngoài lề, ngay cả các nhà ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận rằng đàm phán với Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia (SPDC) không nhiều ý nghĩa hơn ngoài chuyện đối thoại.

Không có những đề nghị được đặt lên bàn. Mỹ vẫn khăng khăng với chính sách yêu cầu có thay đổi dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Cùng lúc đó, Tổng thống Barack Obama đã gia hạn những trừng phạt của Mỹ với Myanmar thêm một năm. Vì vậy trên thực tế, không có điều thực sự mới mẻ nào trên “mặt trận phương Tây.”

Phương Tây cần nhận thấy là chế độ hiện tại ở Myanmar sẽ không “cúi đầu” một cách công khai. Quân đội duy trì được quyền lực chủ yếu vì họ thiết lập được một hình ảnh mạnh về sự thống nhất và không nương tay.

Về nội bộ, điều này phục vụ tốt cho chế độ bởi nó khiến người dân lo sợ, không phản kháng. Trong tâm lý của các tướng lĩnh, họ không muốn thể hiện những dấu hiệu bị coi là “yếu ớt.” Thống tướng Than Shwe sẽ mất thể diện và hình ảnh mạnh mẽ của ông sẽ vỡ vụn nếu chấp nhận những nhượng bộ mà Mỹ đang đòi hỏi.

Ngoài ra, còn có một yếu tố khác làm suy yếu những chính sách của Myanmar với phương Tây. Các tướng lĩnh không chỉ là chính trị gia, họ còn là những “nhà kinh doanh.”

SPDC không xử trí trên nguyên tắc niềm tin, họ muốn có bằng chứng vững chắc. Trong quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ, SPDC thường theo nguyên tắc “có đi có lại”. Các bên đều rõ họ muốn gì và họ sẽ đưa ra những gì. Khía cạnh mặc cả này đang thiếu trong đối thoại với Mỹ.

Mỹ muốn đặt ra yêu cầu, nhưng lại mập mờ về phần đáp lại, có ý chờ phía Myanmar nhượng bộ trước. Điều đó càng chọc tức giới quân sự Miyanmar thay vì làm dịu chế độ này.

Liên minh châu Âu (EU) cũng thất bại trong một chính sách Myanmar bị phản tác dụng. Giống như Mỹ, các nước châu Âu áp đặt các trừng phạt kinh tế và ngoại giao cứng rắn. Nhưng kết quả là gì? Ngày nay, ít người tin rằng trừng phạt sẽ đem lại điều gì đó tích cực.

Cách đây chưa lâu, ngay cả Ngoại trưởng Hà Lan Maxime Verhagen (được xem là nổi tiếng cứng rắn về vấn đề Myanmar) cũng thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt không đem lại kết quả. Nhưng sau đó, quan chức này cũng nói thêm rằng theo ông, dỡ bỏ các trừng phạt không phải là một giải pháp, bởi vì nó sẽ khiến EU mất con bài duy nhất trong cuộc chơi với chế độ quân sự Myanmar.

Dường như, EU cũng đang tự đẩy mình vào thế kẹt. Thay vì tự bó buộc mình, phương Tây nên làm tất cả trong phạm vi quyền lực của mình để thúc đẩy thực chất dân chủ của các cuộc bầu cử. Cách tiếp cận cũ đã không hiệu quả, vì vậy cần một cách tiếp cận mới và phải nhanh chóng.

Có hai điều rất quan trọng: Thứ nhất, phải sẵn sàng giao tiếp, thương lượng với chế độ hiện nay. SPDC là một chính quyền có vấn đề,. nhưng lúc này họ vẫn là chính quyền duy nhất. Nếu các bên thực tâm muốn đạt được điều gì đó tại Myanmar, cần phải thỏa hiệp.

Những biện pháp trừng phạt vẫn có thể được dùng như con bài mặc cả. Tốt hơn hết là có bước đi đầu tiên, đề xuất lợi ích và làm rõ về “phần thưởng,” rồi xây dựng dựa trên đề xuất đó.

Điều quan trọng thứ hai là không nhất thiết phải công khai, rầm rộ, khoa trương có chủ đích. Hãy để chế độ quân sự Myanmar dàn xếp, chấp nhận sự tin cậy và đổi lại thái độ mềm mỏng hơn từ họ.

Nếu phương Tây coi đấy là việc các tướng lĩnh “cúi đầu,” niềm tin sẽ lung lay và mọi chuyện quay trở lại như cũ. Những gì phương Tây cần lúc này là thương lượng và ngoại giao một cách kín đáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục