Lung linh Lễ hội Rồng

Tái hiện truyền thuyết về rồng vàng Thăng Long

Rồng lửa, rồng không khí, rồng đất đã cùng Rồng vàng tái hiện truyền thuyết Rồng gắn với vùng đất linh thiêng Thăng Long-Hà Nội.
Lễ hội Rồng - chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn pháo hoa dành riêng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã diễn ra tối 2/10 tại tiền sảnh B, sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Tham gia biểu diễn trong Lễ hội Rồng mừng Đại lễ 1.000 năm là nhóm 19 nghệ sỹ kịch nổi tiếng Els Comediants đến từ Tây Ban Nha cùng với 18 nghệ sỹ xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Các nghệ sỹ đã trình bày một màn diễn âm nhạc độc đáo cùng pháo hoa ấn tượng, ánh sáng rực rỡ, những vũ điệu sôi động, các tiết mục nhào lộn phong phú, tạo nên không khí lễ hội sôi nổi, tưng bừng.

Ý tưởng xuyên suốt toàn bộ Lễ hội Rồng là tái hiện truyền thuyết về Rồng gắn với Thăng Long-Hà Nội được pha trộn giữa những yếu tố đặc trưng văn hóa truyền thống Việt Nam với đặc điểm vùng Địa Trung Hải.

Các nghệ sỹ Tây Ban Nha và Việt Nam đã kết hợp các ngôn ngữ, âm nhạc, mỹ học dựa trên cảm hứng từ các truyền thuyết của Địa Trung Hải và rồng Việt Nam như truyền thuyết về rồng xanh ngủ, rồng phun bóng lửa tạo ra các hòn đảo, các vị thần linh của thiên nhiên, rồng của bốn nguyên tố, kết hợp của chim phượng hoàng và rồng Thăng Long, sự ra đời của các bộ tộc thể hiện bằng ngôn ngữ xiếc...

Thông qua những câu chuyện huyền thoại, khán giả hiểu thêm về văn hóa Việt, sự hình thành nên mảnh đất Thăng Long-Hà Nội với những điệu múa cổ, những người thợ thủ công tài hoa của đất Thăng Long với nghề gốm cổ truyền…

Lễ hội bắt đầu bằng sự thức giấc của rồng xanh sau một giấc ngủ dài. Con rồng này nằm ở phía Đông Bắc của đất nước nhìn ra Vịnh Hạ Long. Mặt rồng là hình vẽ lấy ý tưởng từ đồ gốm Bát Tràng, được thiết kế trên gỗ chịu lửa rộng 10m, cao 10m.

Mí mắt rồng có thể cử động, biểu hiện cảm xúc, vui buồn. Khuôn mặt rồng cũng được thay đổi liên tục để “nhập vai” các nhân vật rồng xanh, rồng lửa, rồng không khí, rồng Thăng Long.

Rồng xanh thức giấc đã phun bóng lửa, tạo thành vô số những hòn đảo nhỏ trên biển. Trên các hòn đảo này xuất hiện thần lửa - vị thần gắn liền với sự tồn tại của muôn loài. Các vị thần linh đã quyết định đi tìm các con rồng còn lại là rồng lửa, rồng không khí, rồng đất để cùng nhau đến chúc mừng Rồng vàng Thăng Long nhân dịp lễ hội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Rồng vàng Thăng Long xuất hiện, bay trên một thác pháo hoa màu vàng, phượng hoàng xuất hiện trong không gian tràn ngập ánh sáng trắng. Rồng Thăng Long và chim phượng hoàng cùng nhảy một vũ điệu tình yêu.

Sự kết hợp của cặp đôi này cho ra đời bốn quả trứng, nở thành các nàng tiên nữ mặc y phục lấy ý tưởng từ trang phục của các nàng tiên rối nước, hướng dẫn cho các ngư dân, thợ gốm, người trồng lúa…

Người phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài truyền thống, biểu tượng cho sự ngoan cường được thả lên không trung bằng quả cầu trái đất cùng với lời chúc tốt đẹp nhất cho người dân Hà Nội nhân dịp Đại lễ. Một lâu đài bằng pháo hoa rực rỡ vinh danh Hà Nội 1.000 năm tuổi đã khép lại Lễ hội Rồng độc đáo.

Comediants là một nhóm các diễn viên, nhạc công và nghệ sỹ thuộc nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau, cùng hết lòng vì sáng tạo nghệ thuật. Qua 33 năm tồn tại và phát triển, các nghệ sỹ Comediants đã trình diễn ở nhiều nước trên thế giới.

Phong cách biểu diễn độc đáo cùng sự sáng tạo nhưng lại rất gần gũi khán giả, lôi cuốn khán giả cùng tham gia của nhóm được cổ vũ nồng nhiệt ở những nơi các nghệ sỹ đã đi qua.

Lễ hội mở cửa tự do đã thu hút rất đông người dân Thủ đô cùng tham gia, thưởng thức./.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục