Nền kinh tế châu Á phục hồi theo hướng bền vững

IMF nhận định tiến trình phục hồi của các nền kinh tế châu Á hiện vẫn đang tiếp tục được củng cố và hướng tới tăng trưởng bền vững.
Ngày 21/10, tại thủ đô Jakarta, Indonesia, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo "Triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương," nhận định tiến trình phục hồi của các nền kinh tế châu Á vẫn đang tiếp tục được củng cố và hướng tới tăng trưởng bền vững.

IMF khẳng định hiện châu Á vẫn dẫn đầu thế giới về tốc độ phục hồi kinh tế trong năm thứ hai liên tiếp, với tốc độ tăng trưởng được dự báo có thể lên tới 8% trong năm 2010, cao hơn 1% so với dự báo hồi tháng Tư.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm 2011 cũng được dự báo lạc quan, với mức tăng trưởng đạt ít nhất 6,8%.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo ở nhiều nước châu Á hiện đang nổi lên sức ép lạm phát trong khi giá cả ở một số thị trường bất động sản tăng tới hai con số. Vì vậy, đã đến lúc các nền kinh tế châu Á bình thường hóa các chính sách tài chính và siết chặt hơn nữa chính sách tiền tệ ở nhiều nước, kể cả thông qua việc tăng tỷ giá hối đoái, cũng như rút lại các gói kích thích kinh tế - vốn được áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhằm ngăn ngừa các nguy cơ quá nóng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế IMF còn cho rằng việc quản lý dòng vốn nước ngoài đang đổ vào châu Á là một thách thức quan trọng. Mặc dù mở ra rất nhiều cơ hội, song các dòng đầu tư này cũng sẽ "lợi bất cập hại" nếu chúng đi kèm với các điều kiện tài chính dễ dãi trong nước. Do đó, các nước cần tiếp tục áp dụng mạnh mẽ hơn các biện pháp thận trọng vĩ mô nhằm giảm thiểu các nguy cơ.

Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình dương của IMF Anoop Singh hoan nghênh các biện pháp kiềm chế lạm phát và các nhân tố làm nền kinh tế dễ bị tổn thương khác đã được các nền kinh tế châu Á áp dụng kịp thời, đồng thời cho rằng tái cân bằng tăng trưởng vẫn phải là ưu tiên cao nhất về trung hạn của các nền kinh tế châu Á.

Trong khi nhu cầu tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển chưa thể phục hồi như trước khủng hoảng, các nước cần áp dụng những biện pháp cải tổ, trong đó có tăng cường mạng an sinh xã hội, đảm bảo dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng, nới lỏng các hạn chế trong khu vực dịch vụ, cải thiện kết cấu hạ tầng… nhằm hỗ trợ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục