Đổi mới mạnh mẽ hơn các hoạt động của Quốc hội

Các đại biểu đã thảo luận về chất lượng, những đổi mới, cải tiến trong quy trình lập pháp nhằm nâng cao hơn hiệu quả của Quốc hội.
Sáng 28/3, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

Nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chất lượng, những đổi mới, cải tiến trong quy trình lập pháp và hạn chế trong xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa và từng năm.

Nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề hiệu lực, hiệu quả và hạn chế của hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát; việc xem xét, giải quyết các kiến nghị sau giám sát.

Chất lượng và hạn chế trong quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác tổ chức, nhân sự, các công trình quan trọng quốc gia… cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề cập.

Các đại biểu cũng đã phân tích những đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội; tổ chức, xây dựng, củng cố bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội; mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác.

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XII, các đại biểu nhất trí Quốc hội đã đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Nhìn tổng thể, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban; tăng cường chất lượng đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Muốn vậy, cần có cơ chế, điều kiện để nhân dân lựa chọn được những người tiêu biểu vào Quốc hội; quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội; tăng cường quan hệ phối hợp công tác...

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động, cần xác định rõ hơn vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của các đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu tán thành chủ trương tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, địa vị pháp lý, mối quan hệ công tác giữa đoàn đại biểu Quốc hội với cấp ủy và chính quyền địa phương cũng chưa rõ, thiếu cụ thể nên chất lượng hoạt động giữa các đoàn còn chưa thực sự đồng đều.

Tổ chức, bộ máy và phương thức, chế độ làm việc của Quốc hội cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Các đại biểu Danh Út, Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) đề nghị cần xem xét điều chỉnh theo hướng tăng cường các cơ quan trực thuộc Quốc hội, như thành lập Ủy ban Dân nguyện trực thuộc Quốc hội, nâng cấp Viện nghiên cứu lập pháp thành một cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Quốc hội để thêm kênh cung cấp nguồn thông tin chính thống cho đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng Quốc hội cần tăng cường tính chuyên nghiệp, tính liên tục và tính kế thừa. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cần phát huy vai trò của từng đại biểu, đoàn đại biểu, các ủy ban và toàn thể Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) cũng đề nghị, để đảm bảo tính chủ động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần tăng cường hơn nữa vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban.

Theo đại biểu Lê Thị Dung (An Giang), tính phản biện, đa chiều trong các báo cáo thẩm tra phải cao hơn, tránh tuyệt đối tình trạng nể nang; cải tiến hơn nữa trong chất vấn và trả lời chất vấn.

Đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) nhận xét, chất lượng nhiều dự thảo chưa tốt, chuẩn bị chưa kỹ càng; chưa thấy sự tham gia của các nhà khoa học để tạo kênh thông tin cần thiết cho các đại biểu; theo dõi giải quyết kiến nghị của cử tri còn hạn chế.

Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cho rằng, muốn nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, mỗi đại biểu Quốc hội cần tự vấn, mình đã làm được gì, chưa làm được gì cho công việc chung? Muốn có luật tốt phải có sự chuẩn bị, đầu tư tốt, không nên đề cập đến vai trò của các nhà khoa học bởi đây là việc của chính các đại biểu Quốc hội. Đại biểu cho rằng nên quan tâm đến chất lượng luật hơn là số lượng.

Đại biểu Ngô Minh Hồng và đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), Phạm Thị Loan (Hà Nội) kiến nghị cần nêu vai trò chủ động của Quốc hội trong một số vấn đề như quyết định và giám sát chi tiêu ngân sách; xây dựng luật, pháp lệnh./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục