Quá khó để trở thành nhà tiêu dùng thông thái

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm chọn thực phẩm sạch, song để mỗi người trở thành “nhà tiêu dùng thông thái” thì quả là quá khó.
Thời gian gần đây, việc lạm dụng hóa chất trong lương thực, thực phẩm luôn ở mức báo động với hàng loạt vụ việc được phanh phui.

Ngày 29/1, trong buổi tọa đàm của báo Khoa học và Đời sống về vấn đề này, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, muốn trở thành “nhà tiêu dùng thông thái” thì quả là… khó cho các bà nội trợ.

Ẩn họa từ thực phẩm "ngon mắt"?

Càng về gần thời điểm Tết Nguyên đán, thị trường thực phẩm càng nhộn nhịp. Đây cũng là bài toán khó cho những người tiêu dùng để chọn lựa những món hàng thiết yếu cho cuộc sống gia đình.

Báo chí trong những ngày gần đây đã đưa ra nhiều vụ mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong hạt dưa, ớt bột, khiến dư luận hết sức quan tâm.

Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm định thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) cho hay, có ba nhóm chất có thể gây ô nhiễm cho thực phẩm là nhóm phẩm màu, các chất bảo quản và hóa chất bảo vệ thực vật.

Bà Hảo cũng phân tích, nhóm phẩm màu có 2 loại tự nhiên và tổng hợp hóa học. Trong đó, nhóm phẩm màu có nguồn gốc tự nhiên có nhược điểm độ bền kém và giá thành cao. Phẩm màu hóa học có độ bền cao nhưng dễ gây ngộ độc và rất có hại cho con người nếu nhà sản xuất không sử dụng loại không nguyên chất, không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Về chất bảo quản, bà Hảo nói Bộ Y tế cũng có danh mục quy định các loại chất được phép sử dụng và giới hạn, chủng loại... Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã lạm dụng các chất này để kéo dài thời gian chờ phân phối sản phẩm trên thị trường, gây nguy hiểm cho người dùng.

“Chất bảo quản dù nằm trong danh mục cho phép vẫn phải sử dụng đúng quy định, nếu không sẽ đưa lại hậu quả khó lường cho sức khỏe,” bà Hảo khẳng định.

Ở nhóm hóa chất bảo vệ thực vật, giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực, Thực phẩm Việt Nam nói rằng, việc lạm dụng phân hóa học là một sự can thiệp thô bạo vào chu trình tuần hoàn tự nhiên của các chất.

“Nếu trong nông sản, lương thực và thực phẩm có hợp chất nitơ, đặc biệt là nitrate sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe con người. Nó có thể gây hội chứng trẻ xanh xao, chậm lớn và gầy yếu hoặc gây ung thư dạ dày ở người lớn", ông Diên cho biết.

Minh chứng về việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật bừa bãi, vị giáo sư này cho hay ở một vài nơi, người ta thường pha hóa chất trôi nổi trên thị trường vào lọ to, sau đó nhúng cà chua, dưa chuột giúp hai loại quả này ra mã đẹp, to...

Thành người tiêu dùng thông thái: Quá khó

Trong buổi tọa đàm, các nhà khoa học cũng khuyến cáo những bà nội trợ lựa chọn những thực phẩm an toàn như những “người tiêu dùng thông thái.”

Bà Hảo tư vấn, người tiêu dùng không nên mua những thực phẩm có màu sắc quá sặc sỡ, lòe loẹt và không tự nhiên. Theo bà, việc gian dối khi sử dụng phẩm màu, chất bảo quản thường tập trung trong nhóm hàng không có nhãn hiệu, bao bì hoặc xuất xứ không rõ ràng. Đặc biệt, ở những doanh nghiệp chế biến thủ công thì việc sử dụng hóa chất rất tùy tiện, không theo quy định.

Đối với các loại rau, quả, bà Hảo khuyến cáo người tiêu dùng không mua các loại rau quả có mùi, vị khác thường. Sau khi mua về, cần rửa sạch, gọt vỏ các loại rau quả ăn tươi. Ngâm kỹ và rửa rau quả ít nhất 3 lần hoặc dưới vòi nước chảy để loại trừ các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư. Sau khi rửa thì nên ngâm rau trong nước muối nhạt hoặc thuốc tím.

Lý thuyết thì như vậy, song thực tế để trở thành người tiêu dùng thông thái quả là khó với các bà nội trợ với nhiều trình độ khác nhau. Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Công Thành (Trưởng Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, người tiêu dùng không thể phát hiện bằng mắt thường được. Do đó, “chỉ tin cậy người bán hàng là chính”.

Thực tế cho thấy, trước kia, khi phong trào “ăn rau có sâu bám vào” sẽ chứng minh rau đó không phun thuốc sâu. Ngay lập tức, các tiểu thương tìm... lá có sâu trà trộn vào để dễ bán hàng.

Ngoài ra, việc nhận định phẩm màu trong thực phẩm chế biến sẵn “thế nào là màu sắc tự nhiên” quả thật không dễ. Đấy là chưa kể trên thị trường có những thực phẩm chứa hoạt chất khi đem phân tích thì không phát hiện ra được...

Do đó, có lẽ người tiêu dùng nên "chọn mặt gửi vàng" ở những hàng quen, và sơ chế thực phẩm một cách khoa học để tự bảo vệ mình./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục