Mộc bản và Bia tiến sĩ cần được bảo vệ cấp thiết

Mộc bản triều Nguyễn, Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) cần được bảo quản, phát huy giá trị một cách cấp thiết.
"Hai Di sản tư liệu Thế giới của Việt Nam là Mộc bản triều Nguyễn và Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cần được bảo quản an toàn và phát huy giá trị một cách cấp thiết."

Đây là lời phát biểu của bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội Vụ trong Hội thảo- Tập huấn quốc tế “Bảo quản và phát huy giá trị các di sản tư liệu” diễn ra vào sáng 18/8, tại Hà Nội. Hội thảo do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Lưu trữ Quốc gia Cuba tổ chức.

Bà Hương cho rằng, Mộc bản triều Nguyễn là một trong hai tư liệu quý hiếm, có nguy cơ bị hủy hại do thời gian, chiến tranh và các biến động xã hội khác. Do mộc bản làm bằng gỗ thị dễ bị nứt lúc thời tiết khô và bị mốc khi độ ẩm cao nên việc bảo quản tư liệu này gặp nhiều khó khăn.

Đóng góp ý kiến về việc bảo quản và phát huy giá trị tài liệu mộc bản, thạc sĩ Phạm Thị Huệ, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho biết, trong thời gian tới, trung tâm dự định và kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện và cho phép thực hiện đề án “Bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.”

Trước tiên, đề án sẽ tăng cường nghiên cứu và áp dụng các biện pháp thích hợp để kéo dài tuổi thọ của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn. Bên cạnh đó trung tâm dịch, biên soạn và xuất bản sách công bố, giới thiệu tài liệu này tới các nhà nghiên cứu và công chúng cùng với trưng bày giới thệu với du khách tham quan tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam…

Bà Huệ cũng chỉ ra, hiện nay số lượng tài liệu mộc bản tới 34.618 tấm, toàn bộ khắc bằng chữ Hán-Nôm ngược. Số lượng người có khả năng nghiên cứu sâu về tài liệu này rất hiếm. Do đó, cần có chế độ ưu đãi đặc biệt để thu hút và đào tạo lực lượng kế cận nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả khối tài liệu đặc biệt này.

Tại hội thảo, tiến sĩ Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng nói về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản bia đá các khoa thi tiến sĩ (1442-1779).

Ông đưa ra các giải pháp bảo vệ bia rùa như: Sử dụng kính chịu lực loại đặc biệt làm vách ngăn toàn bộ hai dãy nhà bia. Hoặc, trung tâm làm lan can bằng gỗ cao khoảng một mét quây quanh khu nhà bia.

Ông cho rằng, cần quảng bá giá trị của 82 bia tiến sĩ trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet. Trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng long-Hà Nội cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi, in ấn tờ rơi… phát cho khách tham quan cùng người dân để họ hiểu về ý nghĩa, giá trị của di sản này.

Trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo quản và phát huy giá trị các di sản tư liệu, tiến sĩ Martha Marina Ferriol Marchena, Giám đốc Lưu trữ Quốc gia Cuba cho biết, Việt Nam có thể củng cố kiến thức về văn hóa xã hội bằng cách sử dụng tài liệu đang được bảo tồn này.

"Chúng ta cần ưu tiên đặc biệt cho việc thực hiện các cơ chế để đảm bảo sự toàn vẹn của tài liệu trên giấy, phim, radio, điện tử và nghe nhìn," bà nói./.
Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục