Kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi do thất nghiệp tăng

Những tin tức tiêu cực được đưa ra vào đầu quý 4 này cho thấy kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi, với số người thất nghiệp cao.
Theo mạng tin Nghiên cứu toàn cầu ngày 3/10, một loạt những tin tức tiêu cực được đưa ra vào đầu quý 4 năm nay cho thấy kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu đi, với thương mại thế giới và hoạt động sản xuất sụt giảm, số người thất nghiệp tại các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên mức cao kỷ lục.

Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn số liệu thống kê của Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong tháng Tám vừa qua tại Eurozone vẫn ở mức cao kỷ lục là 11,4%, với 18,2 triệu người không có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp cùng kỳ của EU là 10,5%, với 25,5 triệu người thất nghiệp. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tại Eurozone cũng tăng cao, lên tới 22,8% trong tháng Tám.

Tại Tây Ban Nha, có tới 52,9% số người dưới 25 tuổi không có việc làm. Kinh tế Eurozone sụt giảm 0,2% trong quý 2 năm nay và các nhà kinh tế dự báo sẽ xu thế này sẽ tiếp tục kéo dài. Trong khi đó, kinh tế của cả EU giảm 0,1%.

Việc kinh tế tiếp tục suy thoái tại châu Âu đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã sụt giảm trong sáu quý liên tiếp.

Kinh tế Nhật Bản cũng đang trong tình trạng tương tự. Tháng Chín vừa qua cũng là tháng thứ ba liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm. Khối lượng thương mại toàn cầu năm nay dự kiến chỉ tăng 2,5%, giảm mạnh so với mức 5% của năm 2011 và 14% của năm 2010.

Liên quan đến tình hình kinh tế thế giới, phát biểu cùng ngày trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7), Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty cho biết cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đang là một hiểm họa đe dọa nền kinh tế toàn cầu bất chấp nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách.

Theo bộ trưởng, tình hình tại châu Âu đã không được cải thiện, thậm trí còn tồi tệ hơn, tất cả là do chính phủ các nước thành viên hành động thiếu quyết đoán và kịp thời. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện một số bước đi hữu ích và đúng hướng.

Tuy nhiên, trên thực tế một số yếu tố quan trọng của cuộc khủng hoảng vẫn chưa được cải thiện bao gồm việc còn có quá nhiều những ngân hàng ở châu Âu không có đủ nguồn vốn cần thiết và những vấn đề liên quan đến nợ công vẫn đang hiện hữu"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục