TTCK đầy thăng trầm

TTCK thế giới trải qua một năm đầy thăng trầm

Các thị trường chứng khoán thế giới có thể sẽ có thêm một năm hỗn loạn sau khi đi qua năm 2011 đầy sóng gió bởi nhiều cú sốc.
Các sàn giao dịch chứng khoán thế giới vừa trải qua một năm đầy sóng gió bởi nhiều cú sốc nối tiếp nhau.

Khởi đầu là làn sóng bạo động tại Ai Cập, rồi “Mùa xuân Arập,” thảm họa động đất kèm sóng thần ở Nhật Bản, “bóng ma” suy thoái kinh tế toàn cầu và nóng nhất là vẫn là cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone ngày càng lan rộng.

Tất cả những điều trên cứ bám riết thị trường, làm sứt mẻ niềm tin của giới đầu tư, khiến họ tháo chạy để đi tìm nơi trú ẩn an toàn hơn trong các kênh đầu tư khác, khiến màu đỏ ngập tràn các thị trường chứng khoán.

Năm 2011: Nhiều cú sốc bất ngờ

Phố Wall trải qua những tháng đầu năm khá yên ả khi thị trường liên tiếp đón nhận các tín hiệu lạc quan về tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Màu xanh luôn hiển hiện khắp các sàn bởi giới đầu tư không ngần ngại đổ tiền vào chứng khoán trong kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi sinh sẽ đưa thị trường sớm trở lại những ngày hoàng kim trước thời kỳ khủng hoảng năm 2008.

Sắc xanh hy vọng của Phố Wall đã bất ngờ ngả sang gam màu u ám khi tình hình chính trị tại Trung Đông ngày thêm bất ổn. Tiếp đó thảm họa thiên nhiên khủng khiếp giáng xuống xứ sở hoa anh đào đã đẩy Phố Wall tuột dốc sâu hơn.

Mặc dù vậy, suốt một mùa Hè rực đỏ ở Phố Wall vẫn có những phiên lẫn sắc mỗi khi các doanh nghiệp loan báo làm ăn có lãi là giới đầu tư lại hào hứng mua vào chứng khoán, tạo ra những đợt tăng điểm khá bất ngờ và đẩy các chỉ số chứng khoán chủ chốt lên các mức cao kỷ lục trong nhiều năm.

Lẽ ra điều kỳ diệu có thể xuất hiện vào tháng 10, nếu không xảy ra cú sốc MF Global. Phố Wall vẫn chưa hề lặng sóng trong những ngày cuối năm bởi kinh tế phục hồi trong loạng choạng.

Có lẽ ngày "vàng" hiếm hoi ở Phố Wall cuối tháng 11 nhờ sự hợp sức của các ngân hàng trung ương chủ chốt để cứu nguy thế giới đã mở ra cơ hội để sắc xanh lấn át sắc đỏ trên các bảng điện tử cho tới khi thị trường khép lại phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ Giáng sinh, rồi Năm mới.

Bên kia bờ Đại Tây Dương chưa bao giờ thị trường chứng khoán châu Âu lại bị hứng chịu nhiều sóng gió như năm 2011 bởi cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài hơn hai năm qua tại Khu vực đồng euro (Eurozone) ngày càng lan rộng và đã tiến gần hơn tới trung tâm châu Âu, đe dọa các nền kinh tế lớn và làm tổn thương các sàn chứng khoán khắp châu lục.

Trong bốn tháng đầu năm, những ngày châu Âu xanh sàn không phải là ít, khi giới đầu tư kỳ vọng vào các nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng.

Có thể nói các nhà lãnh đạo châu lục và quốc tế luôn chạy marathon để tìm giải pháp và nỗ lực đó ít nhiều đã được đền đáp bằng màu xanh ngắt trên các bảng điện tử. Thăng hoa nhất có lẽ là sàn Frankfurt với chỉ số DAX lần đầu tiên kể từ đầu năm 2008 xuyên ngưỡng 7.500 điểm.

Chỉ số CAC 40 tại Paris cũng leo lên mức cao mới 4.106,92 điểm. Nhưng rồi các kế hoạch thắt lưng buộc bụng đầy khắc khổ mà các nước đang nặng nợ phải áp dụng để vực dậy nền kinh tế và đổi lấy cứu trợ quốc tế đã bót nghẹt tăng trưởng kinh tế và đẩy nhiều nước ngấp nghé bờ vực suy thoái. Và từ đây tâm lý của giới đầu tư chứng khoán đã chuyển từ trạng thái lo âu sang hoảng loạn và cuối cùng là tháo chạy khỏi các thị trường, nhấn các sàn chìm sâu hơn trong màu đỏ.

Trong những tháng cuối năm hy vọng bất chợt lại lóe lên khi các nhà lãnh đạo châu Âu tìm được sự đồng thuận để nhanh chóng dập tắt đám cháy khủng hoảng nợ công thông qua việc mở rộng quy mô Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, siết chặt kỷ luật ngân sách, tăng khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Chớp lấy thời cơ đó, nhiều sàn đã xanh trở lại, nhưng chỉ là tạm thời.

Càng về cuối năm các thị trường chứng khoán châu Âu càng xuống dốc do các nước vẫn chật vật chống bão khủng hoảng nợ công. Thảm bại nhất trong số các sàn chủ chốt châu Âu trước khi thị trường nghỉ lễ Giáng sinh là sàn Milan để mất 25% giá trị do giới đầu tư lo ngại khả năng vỡ nợ ở nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone này.

Chỉ số FTSE 100 của London cũng sụt mất 6,5% cho dù Anh vẫn đứng ngoài Eurozone khu vực đang bị khủng hoảng nợ công tàn phá đến kiệt quệ. Sàn Frankfurt giảm mất 15% giá trị so với mức giảm 18% của sàn Pari hay 13% của sàn Mađrít.

Thị trường chứng khoán Tokyo cũng đi qua nhiều sóng gió chẳng kém gì Phố Wall bởi nền kinh tế vẫn tăng trưởng ì ạch và tác động nằm ngoài tiên lượng của thảm họa động đất kèm sóng thần hồi tháng Ba gây ra khủng hoảng hạt nhân cùng những bất ổn từ bên ngoài, nhất là cuộc khủng hoảng nợ Eurozone và lũ lụt tại Thái Lan.

Chưa thoát khỏi cái "bóng" của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone và bất ổn Trung Đông, cả nước Nhật lại phải gồng mình chống đỡ thảm họa kép. Trong trạng thái hoảng loạn đến cao độ giới đầu tư chứng khoán không còn cách nào khác đã đua nhau bán tống bán tháo cổ phiếu, làm rung chuyển thị trường và đỏ sàn dài ngày.

Khoảng một tháng trước khi tai họa ập xuống Nhật Bản, chỉ số Nikkei-225 vẫn ở trên ngưỡng 10.000 điểm, thậm chí còn chạm tới mức cao từ đầu năm là 10.891,60 điểm vào hôm 17/2.

Suốt cả mùa Hè sàn Tokyo vẫn bị ám ảnh bởi thảm họa, mà hậu quả nặng nề nhất là tốc độ tăng GDP quý II giảm tới 2% và đẩy đất nước rơi vào suy thoái. Theo sau đó, chỉ số Nikkei-225 tăng ít hơn là giảm và có lúc rơi xuống đáy dài ngày.

Để chặn lại đà xuống dốc của chứng khoán Nhật Bản, hai Sở giao dịch chứng khoán hàng đầu là Tokyo và Osaka đã loan báo kế hoạch sáp nhập vào tháng 1/2013 để hình thành Sở giao dịch lớn thứ ba thế giới. Nhưng có lẽ bước đi đó chưa đủ sức để lấy lại niềm tin của giới đầu tư khi mà chỉ số Nikkei-225 vẫn rớt xuống mức thấp nhất trong 32 tháng qua (8.314,74 điểm) vào phiên 22/11 và vẫn trong trạng thái lình xình cho tới những ngày cuối năm.

Năm 2012: Chưa thể hết trắc trở


Các thị trường chứng khoán thế giới có thể sẽ nếm trải thêm một năm hỗn loạn sau khi đi qua năm 2011 biến động mạnh nhất kể từ khi đại gia Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ năm 2008. Chẳng còn gì là bất ngờ nếu các thị trường chứng khoán toàn cầu tăng hoặc giảm 1% trong một phiên giao dịch hoặc tăng giảm 5% trong một tuần.

Sự thay đổi tâm lý giữa ưa và không ưa mạo hiểm của giới đầu tư sẽ còn tiếp diễn trong năm 2012.

Cuộc khủng hoảng nợ công sẽ tiếp tục là tâm điểm thị trường ít nhất là trong quý I/2012, chứ chưa muốn nói là cả năm, vượt qua cả các bất ổn địa chính trị và cuộc đua vào Nhà Trắng.

Nếu biến chuyển theo chiều hướng xấu hơn, làn sóng bán tháo trên các thị trường trái phiếu châu Âu và thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Bởi vậy chứng khoán châu Âu sẽ đối mặt với một đợt hỗn loạn mới trong năm 2012 sau một năm thị trường tuột dốc.
 
 Richard Hunter từ công ty môi giới chứng khoán Hargreaves Lansdown nhận định vẫn còn bất ổn trong khu vực Eurozone. Khả năng một nước ngoại vi ra khỏi Eurozone gia tăng khi tình hình Eurozone trở nên xấu hơn.

Trong khi đó Phố Wall cũng chưa thể khởi sắc mạnh hơn.

Dựa trên tốc độ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp được dự báo thấp hơn chỉ số S&P 500 sẽ dao động trong khoảng 700-900 điểm, giảm ít nhất 25% so với cuối năm 2011. Cùng chia sẻ quan điểm đó, nhà kinh tế Bob Janjuah của Công ty Nomura cũng dự đoán chỉ số S&P 500 chỉ ở mức 810 điểm, giảm hơn 30% so với mức hiện nay.

Trái lại chứng khoán Tokyo được dự đoán sẽ lấy lại động lực đi lên trong nửa sau của năm 2012 khi cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone từng làm các sàn chứng khoán toàn cầu điêu đứng suốt năm 2011 sẽ dịu dần và kỳ vọng vào triển vọng kinh doanh của giới doanh nghiệp Nhật sau một năm "thất bát" do thiên tai.

Cho tới mùa Xuân, chỉ số Nikkei -225 vẫn dưới ngưỡng 8.000 điểm do nỗi lo cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone tiếp tục ám ảnh giới đầu tư. Sau đó sẽ bật nhanh để dao động trong khoảng 8.000-11.000 điểm so với mức gần 8.500 điểm cuối năm 2011.

Nhưng dù sao giới đầu tư chứng khoán vẫn hy vọng năm 2012 sẽ không xảy ra nhiều sự kiện gây chấn động thị trường như năm 2011 để họ lại hào hứng đổ tiền vào chứng khoán và sớm trở lại những ngày hoàng kim./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục