Doanh nghiệp niêm yết: Vẫn coi nhẹ quản trị công ty

Thực tiễn ở 100 công ty lớn nhất trên sàn cho thấy, tình hình quản trị tại doanh nghiệp niêm yết không tiến triển nhiều so với trước.
Ngày 7/12 tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (SSC), Diễn đàn Quản trị Công ty toàn cầu (GCGF) và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) đã phối hợp thực hiện công bố Báo cáo Thẻ điểm quản trị công ty Việt Nam lần thứ 2.

Cụ thể, Báo cáo đã xem xét thực tiễn quản trị công ty của 100 doanh nghiệp lớn nhất (đại diện cho hơn 83% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường) niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Dậm chân tại chỗ

Kết quả từ Thẻ điểm cho thấy, mức điểm trung bình về quản trị công ty chỉ tăng nhẹ từ mức 43,9% năm 2009 lên mức 44,7% năm 2010 và vẫn còn khá xa mức điểm ghi nhận một công ty đáp ứng được các thông lệ quản trị công ty quốc tế là 80%.

Ngoài ra kết quả thẻ điểm năm nay cũng đưa ra những kết quả không như kỳ vọng tại lĩnh vực vai trò quyền của các bên liên quan chỉ đạt 29,4%.

Theo bà Anne Molyneux, chuyên gia tư vấn thuộc nhóm nghiên cứu, chỉ tiêu đáng thất vọng nhất tại thẻ điểm là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng quản trị chỉ đạt có 36,1%. Khi xem xét điểm số để xác định những lĩnh vực yếu kém thì có tới 87% số câu hỏi có điểm thấp nhất (điểm 0) có liên quan đến minh bạch, công bố thông tin và trách nhiệm của Hội đồng quản trị. Điều này cho thấy, thực tiễn quản trị công ty trong hai lĩnh vực này còn rất thấp so với thông lệ quốc tế.

Mặc dù vậy bà Anne Molyneux, cũng chỉ ra được điểm đáng ghi nhận, về việc cải thiện mạnh của nhóm các công ty thuộc cuối bảng khi đã nâng được điểm tổng quát lên gần 30% so với mức dưới 20% của năm ngoái.

Bản đánh giá cho thấy công tác quản trị công ty ở Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu. Các công ty vẫn chưa nắm được khái niệm và phương thức tiếp cận quản trị công ty.

Theo Bà Vũ Kim Liên, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quản trị công ty là vấn đề được nhiều nước quan tâm, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì quản trị công ty càng trở nên quan trọng. Đối với thị trường chứng khoán, quản trị công ty tốt sẽ tăng cường niềm tin cho giới đầu tư như một cách thức đối chọi với khủng hoảng.

Bà Liên khẳng định, Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (SSC) rất chú trọng tới vấn đề này và đã xây dựng hoàn thiện khuôn khổ phát lý trên thị trường.

Tuy nhiên, bà Liên cũng nhấn mạnh, khuôn khổ phát lý tốt không có nghĩa là sẽ có ngay quản trị công ty tốt. Hiện các doanh nghiệp niêm yết chưa thực sự tiến bộ trong quản trị công ty, vẫn mang nặng tính tuân thủ pháp lý nên quyền lợi của cổ đông thiểu số vẫn bị xâm phạm. Điều này cũng được ghi nhận trong Thẻ điểm 2011, lĩnh vực đối xử công bằng với cổ đông chỉ đạt 61%, thụt lùi 4% so với năm ngoái

Đừng để hụt hơi trong sân chơi toàn cầu


Mới đây, tại Hội nghị Tổng Giám đốc (CEO) các sở giao dịch chứng khoán ASEAN lần thứ 15 cũng đã có thống nhất chung về việc kết nối các sở giao dịch chứng khoán ASEAN vào tháng 6/2012, và việc các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào sân chơi trong khu vực cũng không còn lâu nữa.

Tuy nhiên theo bà Anne Molyneux, nguyên tắc của nhà đầu tư nước ngoài luôn dựa vào các chỉ tiêu đánh giá mang tiêu chí toàn cầu. Thông qua các kết quả từ thẻ điểm cho thấy các danh nghiệp niêm yết tại Việt Nam không nên chỉ dậm chân tại chỗ mà cần phải cải thiện và nâng cao quản trị công ty để trở thành người chơi toàn cầu, trong quy chế quốc tế.

Một thực tế cho thấy, điểm phần trăm quản trị công ty cao nhất thuộc vào 25 doanh nghiệp có sở hữu vốn nước ngoài trên 30%. Trong khi, điểm phần trăm giữa tỷ lệ cao nhất, thấp nhất và trung bình có sở hữu của doanh nghiệp nhà nước không cho thấy sự chênh lệch lớn, điều này chứng tỏ sở hữu nhà nước chưa có ảnh hưởng tích cực đến điểm quản trị công ty.

Bà bà Anne Molyneux đánh giá, quản lý nhà nước với tư cách là một cổ đông lớn, nếu trở thành “người tiên phong” về quản trị công ty và yêu cầu áp dụng thực tiễn quản trị công ty tốt hơn trong tất cả các công ty có cổ phần nhà nước sẽ tạo ra một sự khác biệt đáng kể cho năm sau, bởi sở hữu nhà nước vẫn có mặt hầu hết tại các công ty được khảo sát hiện nay.

Ghi nhận những tồn tại về quản trị công ty tại Việt Nam, bà Liên nhấn mạnh, để có một nền tảng tốt điều cơ bản là việc xây dựng nhận thức về quản trị công ty trong doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, đây không phải là công việc đơn giản, cần có sự tham gia của toàn thị trường, chứ không phải chỉ riêng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Báo cáo kêu gọi các công ty Việt Nam tăng cường thực hiện quản trị công ty, góp phần nâng cao thu hút đầu tư cũng như góp phần nhiều hơn vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Mặt khác, khuyến khích các công ty niêm yết chú trọng đến các vấn đề như quyền, đối xử với các cổ đông và các bên liên quan, vai trò và trách nhiệm của Hội đồng quản trị, đặc biệt là trách nhiệm giám sát rủi ro, minh bạch công bố thông tin.

Ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan của IFC hy vọng Báo cáo này sẽ giúp các công ty và cơ quan quản lý nhận biết rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu trong quản trị công ty tại Việt Nam, từ đó đề ra những cải cách phù hợp trong lĩnh vực này ở cả cấp độ công ty và cơ quan quản lý.

“Việc áp dụng các nguyên tắc và thông lệ quản trị công ty tốt hơn sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được những nguồn vốn chất lượng hơn với chi phí rẻ hơn,” Ông Simon Andrews khẳng định./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục