Giữ mãi "ngọn lửa nghề"

Giữ "ngọn lửa nghề" ở làng gốm son Quyết Thành

Đã bao đời nay, những nghệ nhân gốm Quyết Thành vẫn lặng lẽ giữ màu son của gốm bằng lửa than và cả bằng "lửa nghề" của mình.
Nằm soi mình bên dòng Đáy giang thơ mộng, cùng với danh thắng Núi Ngọc, Chùa Bà Đanh nổi tiếng còn có một làng gốm lâu đời mang tên "Đanh Xá", nay là gốm Quyết Thành (thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam).

Đã bao đời nay, những nghệ nhân nơi đây vẫn lặng lẽ tôi luyện đất nước bằng lửa than, "lửa nghề" và bằng cả tấm lòng đối với nghề ông cha để thắp lên một thương hiệu nổi tiếng.

Từ những vật dụng thiết yếu, giản đơn trong sinh hoạt gia đình đến những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo đã từng đến với khách hàng Á, Âu... tất cả đều ẩn chứa trong đó những vui buồn nghề nghiệp, những trăn trở và khát vọng đi lên của một làng nghề truyền thống.

Dù đã được cảnh báo trước phải trang bị cho mình bộ quần áo lao động dày bịch, cùng chiếc mũ mềm sùm sụp che gần kín mặt nhưng cái nóng từ những sản phẩm mới tươi rói màu đất nung bủa vây, hòa quyện như thách thức sự kiên gan, bền bỉ của con người.

Từ trong lò, qua lần cửa tò vò là một lối đi dốc thoai thoải, những người thợ hối hả truyền tay nhau những sản phẩm còn nóng hổi nguyên khí của trời đất rồi nhẹ nhàng, cẩn thận xếp từng hàng. Những chiếc vò đựng rượu với hai cái tai xinh xắn, nằm như đàn lợn con no cám, những vại, lu căng tròn lên màu "gan góc"... tất cả đều được thẩm định chất lượng lần cuối bằng những tiếng gõ leng keng khoan nhặt.

Vừa kiểm tra tỉ mỉ từng sản phẩm, bác Lại Văn Liên, một người kế thừa nghề truyền thống từ cha ông đã hơn ba chục năm nay, vừa cho biết ở Việt Nam có nhiều làng nghề làm gốm, như gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng... nhưng gốm Quyết Thành lại được gọi là gốm son.

Cũng bao gồm các công đoạn chọn đất, luyện đất, vuốt các sản phẩm theo ý, phơi khô rồi nung. Còn với hàng mỹ nghệ thì hơi cầu kỳ hơn. Đất sét phải phơi khô rồi cho nước vào khuấy đều, sau đó tinh lọc các tạp chất, cô đặc lại rồi đổ vào khuôn hoặc in dát trên máy, sau đó cắt gọt, đánh bóng vào son, vẽ men và cuối cùng là đưa vào lò nung.

Vào son là khâu tạo nên nét độc đáo của gốm Quyết Thành với các loại gốm khác. Bác Liên cho biết trên núi ở vùng này có một lại đất đỏ như son người thợ lấy về nghiền nhỏ pha với nước để nhúng các sản phẩm. Khi nung có màu đỏ tươi. Giọng bác Liên nhỏ lại dường như tâm sự với chính mình, theo quan niệm của người phương Đông thì trong gốm hội tụ đủ cả âm dương, ngũ hành, đất là thổ, trong thổ có kim, nước để nhào nặn là thủy, củi đốt là mộc và dùng lửa để nung chín là hỏa.

Chính vì thế, ngoài việc phục vụ con người,  đồ gốm còn là sản phẩm tâm linh mà từ bao đời nay ông cha ta đã sử dụng vào những việc ý nghĩa như làm đồ thờ cúng, tế lễ tổ tiên...

Làng gốm Quyết Thành bây giờ không còn nhộn nhịp như những năm về trước, số hộ theo nghề giảm đi rất nhiều, việc duy trì và phát triển làng nghề đang gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, hiện nay những nghệ nhân còn lưu giữ bí quyết nghề gốm, sứ ở làng không còn nhiều, hơn thế, nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm gốm ngày càng khan hiếm.

Các cụ đã đúc kết kinh nghiệm: "Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ chế", cái quan trọng sống còn của làng nghề ấy vẫn đang được những người tâm huyết "bàn tính" để "lửa nghề" truyền thống đã cháy sáng trên 400 năm tiếp tục cháy mãi.

Người đầu tiên chúng tôi tìm đến là chủ nhiệm Hợp tác xã gốm Quyết Thành Trần Văn Pha. Với dáng người thấp đậm, anh cười đôn hậu: "Khác với thời bao cấp Nhà nước lo tất cả thì đến nay, người làm nghề phải tính toán từ "cái kim, sợi chỉ" nên có nhiều cái khó".

Hơn thế, theo anh, trước kia đất cát dễ dãi tiện đâu xin đấy, nào là khơi ngòi khơi cống, đất thừa đất thẹo, miễn chỗ nào có là anh em đều có mặt để xin, mà xin không được thì mua nhưng đến thời buổi này, tấc đất, tấc vàng, ao ngòi bêtông hết, chẳng khơi vào đâu, nhiều khi mua đất còn đắt hơn cả sản phẩm làm ra nên "đành chịu".

Anh Lê Văn Sơn, Phó chủ tịch thị trấn Quế cho biết quê hương tự hào vì có nghề truyền thống độc đáo này, các anh trên huyện cũng rất quan tâm, luôn nhắc nhở chú ý tới làng nghề.

Khi chúng tôi chuẩn bị hoàn thành bài viết này thì nhận được điện thoại của chủ nhiệm Hợp tác xã gốm Quyết Thành báo tin là đã hoàn thành dự án đầu tư để trình các cấp lãnh đạo xem xét phê duyệt cho vùng nguyên liệu và hợp tác xã cũng đã bàn bạc quyết định từ nay đến đầu năm 2010 sẽ đầu tư một lò nung với công nghệ hiện đại đốt bằng ga.

Lò đốt này, khi đi vào hoạt động sẽ cho chất lượng sản phẩm tốt hơn, số lượng nhiều hơn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, mỗi năm hợp tác xã tổ chức hai lớp học, mỗi khoá ba tháng để truyền nghề. Mọi người tham gia rất đông, trong đó phần lớn là các em nhỏ làng gốm Quyết Thành theo học với mong muốn tiếp nối nghề truyền thống của ông cha.

Vậy là, "bài toán" của gốm Quyết Thành bước đầu đã có hướng giải mới. Hy vọng rằng, bằng tình yêu thiết tha với nghề và với quyết tâm chung tay vì một nghề truyền thống cùng sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành, "lửa nghề" ở Quyết Thành không chỉ giữ gìn mà còn phát huy được vốn quý độc đáo của cha ông đã dày công gây dựng, vun đắp hàng trăm năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục