Các công ty dầu lửa quốc tế lớn đang trở lại Iraq

Các công ty dầu lớn quay lại Iraq vì họ cho rằng đây có thể là một trong những cơ hội cuối cùng để có được khối lượng lớn dầu thô.
Tạp chí BusinessWeek số ra gần đây cho biết, các công ty năng lượng lớn nhất trên thế giới như ENI do Italy đứng đầu, ExxonMobil (XOM) của Mỹ, Royal Dutch Shell (RDS) của Anh và Hà Lan... vốn từng bỏ qua những lời mời chào đấu thầu các mỏ dầu đầy tiềm năng của Iraq, nay đang quay trở lại nhằm khai thác nguồn lợi dồi dào này.

Đầu tháng 11, ENI đã khởi xướng một hợp đồng đẩy mạnh sản xuất tại mỏ dầu Zubair, gần Basra, nơi trữ lượng dầu ước tính tới 6 tỷ thùng.

Shell, Exxon và ConocoPhillips (COP) cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm giúp tăng sản lượng dầu của Iraq lên hơn 6 triệu thùng/ngày, chỉ sau Arập Xêút trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Theo BusinessWeek, các công ty dầu lớn đang xem xét quay lại Iraq bởi vì họ nhận ra rằng đây có thể là một trong những cơ hội cuối cùng để có được khối lượng lớn dầu thô.

Công ty BP của Anh đang nhằm hướng vào mỏ dầu ở Romania (cách Basra, thành phố lớn thứ hai ở Iraq, khoảng 50km về phía Tây), nơi ước tính trữ lượng có thể tới 20 tỷ thùng dầu.

Một mỏ khác cùng loại như vậy ở Tây Qurna, phía Bắc Basra, nơi một nhóm công ty, trong đó có ExxonMobil và Shell, đang cạnh tranh với một đối tác của ConocoPhillips - tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ và Lukoil - tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga, để giành quyền khai thác và sản xuất.

Sự thay đổi thái độ của các công ty dầu lớn có thể làm tăng căng thẳng trong OPEC. Tổ chức này giả định sản lượng dầu của Iraq (một thành viên OPEC được miễn trừ về hạn ngạch) sẽ vẫn thấp cho đến khi thế giới trở lại "cơn khát dầu thô".

Khi sản lượng dầu của Iraq bắt đầu tăng, Arập Xêút và các nước sản xuất lớn khác có thể sẽ tìm cách thuyết phục Baghdad tuân thủ đường lối của OPEC.

Tuy nhiên, Baghdad muốn bơm dầu tối đa với lập luận rằng các thành viên OPEC đã được lãi trong những năm Iraq không có mặt trên thị trường, nên giờ họ không chịu bất kỳ một sự cắt giảm nào trong tương lai.

David Kirsch, một nhà phân tích của Công ty tư vấn năng lượng PFC ở Washington nói: "Đây là vấn đề sẽ nổi lên khi các hợp đồng tiến triển".

Tuy còn có những trở ngại lớn như an ninh bất ổn, thiếu công nhân lành nghề, hạ tầng về dầu lửa xuống cấp, thiếu các trạm tiếp nhận dầu và công suất của đường ống dẫn dầu ra nước ngoài còn chưa lớn, song giới phân tích cho rằng Iraq vẫn là thị trường khai thác dầu lửa hấp dẫn đối với các công ty năng lượng nước ngoài.

Dự trữ dầu của nước này vào khoảng 115 tỷ thùng, đứng thứ ba thế giới./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục