Mỹ-Ấn Độ ký thỏa thuận tái chế nhiên liệu hạt nhân

Mỹ và Ấn Độ chính thức ký thỏa thuận về tái chế nhiên liệu hạt nhân, nằm trong hiệp định hợp tác năng lượng nguyên tử dân sự 2 nước.
Mỹ và Ấn Độ ngày 30/7 đã chính thức ký thỏa thuận về tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng mà giới chức Washington hy vọng sẽ tạo điều kiện để các công ty nước này thâm nhập thị trường năng lượng hạt nhân trị giá 150 tỷ USD của New Delhi.

Đây là một phần quan trọng trong hiệp định hợp tác năng lượng nguyên tử dân sự được hai nước ký hồi năm 2008.

Thỏa thuận trên, chính thức có hiệu lực từ tháng Tám tới, do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị William J. Burns và Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ Meera Shankar ký tại Washington.

Văn kiện trên cho phép cường quốc Nam Á này tái chế nhiên liệu hạt nhân có nguồn gốc từ Mỹ tại một cơ sở mới nằm dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Cho tới nay, Mỹ mới chỉ ký thỏa thuận tái chế nhiên liệu hạt nhân với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ thỏa thuận với Ấn Độ phản ánh "cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Barack Obama xây dựng thành công Sáng kiến Hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn và là điều kiện tiên quyết để các nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân của Mỹ làm ăn với Ấn Độ."

Năm 2008, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã ký kết một hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự, chấm dứt lệnh cấm các hoạt động thương mại hạt nhân dân sự kéo dài suốt ba thập niên qua đối với New Delhi.

Văn kiện này cho phép các doanh nghiệp Mỹ bán nhiên liệu, công nghệ và các lò phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình cho Ấn Độ. Đổi lại là các biện pháp đảm bảo an toàn và IAEA có quyền thanh tra các nhà máy hạt nhân của Ấn Độ.

Theo giới quan sát, hiệp định trên đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Ấn Độ, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, và nêu bật mối quan hệ đối tác chiến lược không chỉ trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân, mà cả về thương mại, hợp tác quốc phòng cũng như các lĩnh vực khác.

Về lợi ích kinh tế, hiệp định sẽ góp phần tạo thêm hàng nghìn việc làm tại Mỹ và giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Ấn Độ theo cách thức thân thiện với môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục