Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ tăng liên kết vùng

Hội nghị giao ban 3 Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ về giáo dục đào tạo, dạy nghề, nguồn nhân lực, tổ chức 6/12, ở Cần Thơ.
Chiều 6/12, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tham dự chỉ đạo hội nghị giao ban ba Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ về công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cả ba vùng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định rằng năm 2012, kinh tế có nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực của địa phương ba vùng, tình hình chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đạt nhiều khả quan, khá vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển. Cả ba vùng đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển nền kinh tế chung của đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo của ba vùng tiếp tục đánh giá khách quan về mặt bằng giáo dục và đào tạo của ba vùng trong thời gian qua. Trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân yếu kém để tiếp tục đề xuất giải pháp khắc phục... Chú ý công tác đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển của xã hội từng địa phương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo các vùng cần phối hợp phát huy tính liên kết vùng, đây là điều kiện hết sức quan trọng để các địa phương hỗ trợ nhau cùng phát triển, là mục tiêu chiến lượt mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ, để các địa phương bảo đảm an ninh quốc phòng, thực hiện tốt phát triển kinh tế-xã hội đồng thời qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách đặc thù đối với từng vùng miền…

Qua sáu lần giao ban ba Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tình hình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội ở các vùng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật nhất là vực giáo dục-đào tạo và dạy nghề.

Cụ thể mạng lưới các trường lớp từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn Tây Nam Bộ được đầu tư kiên cố hóa (toàn vùng có 884 trường đạt chuẩn quốc gia, 69% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ ngày; 10/13 địa phương có trường đại học, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 26,49%).

Địa bàn Tây Nguyên có 99,6% xã, phường hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 14,3% trường đạt chuẩn quốc gia. Riêng Tây Bắc, hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng theo quy hoạch và đến khóm, ấp với phương châm có dân sinh là có trường lớp, đáp ứng cơ bản về lực lượng giáo viên, sách vở, đồ dùng dạy học...

Về nguồn nhân lực, đến nay, nguồn nhân lực ba vùng tăng về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng; cơ cấu ngành nghề, việc làm đều có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy vậy, thực trạng nguồn nhân lực ở ba vùng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm, như cơ sở vật chất trường lớp và chất lượng giáo dục ở nông thôn còn nhiều khó khăn, nhiều xã chưa có trường mầm non độc lập, đặc biệt là trên địa bàn Tây Bắc còn 147 xã chưa có trường mầm non.

Đề án kiên cố hóa trường học và nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn Tây Nguyên triển khai còn chậm, thiếu vốn, chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ đến trường. Chất lượng giáo dục được nâng lên nhưng chưa đồng đều, công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở chưa đảm bảo tính bền vững, tỷ lệ học sinh yếu kém, bỏ học còn cao./

Trần Khánh Linh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục