Chữa bệnh cho "cụ rùa"

Chữa bệnh cho "cụ rùa": Ngổn ngang trăm mối tơ vò

Cùng nhất trí cần gấp rút chữa bệnh cho "cụ rùa" hồ Hoàn Kiếm nhưng giới khoa học lại có nhiều ý kiến khác nhau và vẫn chưa có hồi kết.
Cần gấp rút đưa "cụ rùa" hồ Hoàn Kiếm lên bờ để chữa trị, đồng thời tính kế kéo dài tuổi thọ cho "cụ"  là ý kiến chung của nhiều nhà khoa học trong hội thảo “Giải pháp tổng thể cứu rùa hồ Hoàn Kiếm” được tổ chức sáng nay, 15/2, tại Hà Nội.

Trăm kế cứu rùa trăm tuổi

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức, những vết thương trên cổ và trên mai "cụ rùa" thời gian gần đây là điều không bình thường. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đưa ngay "cụ" lên chân tháp Rùa để kiểm tra và chữa trị kịp thời, tránh để lâu tình hình sẽ xấu thêm.

Ông Đức cũng đưa ra kiến nghị các ngành chức năng cần kiểm tra đáy hồ, thu dọn chướng ngại vật, đặc biệt là phải kiểm tra hệ thống thoát nước của những nhà hàng gần đó như Thủy Tạ hay Hapro để đảm bảo môi trường nước và tránh gây thương tích cho cụ.

Ngoài ra, việc nghiêm cấm phóng sinh rùa tai đỏ và sinh vật lạ xuống hồ nhất là vào các ngày lễ như Rằm tháng Bảy và 23 tháng Chạp cũng cần được thực thi ngay.

Ông Đức cũng nêu ý kiến, cần làm ngay hệ thống cống có cửa đóng mở, luân chuyển nước hồ trong mùa mưa để cải tạo chất lượng nước hồ đã tù đọng từ hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó, việc nữa cần làm là tiếp tục nạo hút bùn từ 0,5m trở lên để đảm bảo độ sâu trung bình khoảng 1,5m vào mùa khô.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, cho rằng những nguyên nhân về sức khỏe của rùa hồ Hoàn Kiếm cho thấy, chúng ta cần một giải pháp đồng bộ gồm bệnh học, dinh dưỡng, môi trường, giải pháp quản lý.

Tiến sĩ Vĩnh cũng kêu gọi thành lập một tổ chức phi chính phủ trực thuộc Sở nhằm tập hợp lực lượng và thu hút tài trợ bảo tồn quỹ gien rùa hồ Gươm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lắp đặt hệ thống bẫy và loại trừ rùa tai đỏ nhằm cải thiện môi trường sống cho cụ rùa.

“Nguy cơ sâu xa gây ra các vấn đề tại hồ Hoàn Kiếm là từ cộng đồng. Bởi thế cần sớm có một mô hình đồng quản lý để giải quyết các tồn tại hiện nay,” ông Vĩnh lý giải.

Giáo sư, Tiến sĩ Mai Đình Yên, Phó chủ tịch Hội sinh thái học, lại nêu ý kiến nên kết hợp việc đưa "cụ rùa" lên bờ chữa trị vết thương với lấy máu để xác định AND và gắn chip điện tử để tiện cho việc theo dõi ,đồng thời giải đáp thắc mắc "cụ" thuộc họ rùa nào.

Cứu… cụ rùa nào?

Đều đồng tình với việc cần gấp rút chữa trị vết thương cho "cụ rùa" nhưng cụ thể đưa "cụ" lên bờ ra sao, cách trị bệnh lâu dài thế nào hay đơn giản là… cứu "cụ rùa" nào là những ý kiến của không ít nhà khoa học.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Chủ tịch Tập đoàn thương mại KAT, chuyên gia nuôi và nghiên cứu động vật rùa, khẳng định, chiều 30 Tết ông Khôi cùng Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức đi thăm hồ đã thấy hai "cụ rùa" nổi lên mặt nước cách nhau ít lâu.

Ông Khôi có mang theo bức ảnh chụp hai vệt tăm nước trên mặt hồ. Theo ông, với kinh nghiệm 20 năm nuôi rùa, ông có thể chắc chắn hồ Gươm có hai cá thể rùa nặng từ 1 tạ trở lên.

“Một 'cụ' đầu màu vàng, 'cụ' còn lại đầu màu xanh,” ông Khôi cho hay.

Cũng theo ông, việc đưa "cụ rùa" lên khỏi mặt nước phải cẩn thận dùng… trực thăng để tránh xây xát.

Hay như cách chữa trị cho "cụ rùa," nhiều ý kiến cũng nêu ra khá khác biệt. Tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh đề nghị áp dụng giải pháp đã sử dụng cho việc điều trị vét loét trên cá tầm cho "cụ rùa." Theo ông Vĩnh, chúng ta có thể sử dụng chế phẩm chiết xuất từ nước suối khoáng để chữa trị những vết thương.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, lại cho rằng có thể dùng nước oxy già, cồn iốt hoặc thuốc tím để rửa vết thương kết hợp bôi thuốc mỡ kháng sinh diệt vi khuẩn gây bệnh.

Cùng chung mong muốn điều trị vết thương cho "cụ rùa" nhưng Tiến sĩ Phan Thị Vân, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I lại khá thận trọng khi nói về cách điều trị. Tiến sỹ Vân cho rằng sẽ có nhiều phương án để bôi cho rùa dùng thuốc, có thể đưa thuốc vào cơ thể rùa, tiêm, hay tắm thuốc…, nhưng mỗi phương án lại có khó khăn riêng.

“Bởi thế, cần cẩn trọng lấy mẫu từ các vết thương, từ đó mới quyết định chủng loại thuốc, liều lượng cần dùng và lên phác đồ điều trị,” Tiến sĩ Vân nhấn mạnh.

Trước khá nhiều ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Hà Nội cho rằng: “Rất khó để kết luận và sẽ tiếp thu thêm ý kiến ở những lần khác.”

Tuy nhiên, theo ông, điều cần làm trước tiên hiện nay là cần dọn sạch môi trường hồ Gươm, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân và giải quyết môi trường nước.

“Chúng ta cần làm ngay những cái có thể như làm kè quanh hồ để cho 'cụ rùa' có chỗ phơi nắng,” ông Rao nhấn mạnh./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục