Tình hình Eurozone không mấy sáng sủa do lạm phát

Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (EU) Eurostat đã điều chỉnh tăng chỉ số lạm phát tháng 3 của khu vực sử dụng đồng euro.
Ngày 17/4, Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (EU) Eurostat đã điều chỉnh tăng chỉ số lạm phát tháng 3 của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), gia tăng thêm cơ sở cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngừng kích thích tiền tệ thêm.

Eurostat cho biết giá cả ở khối 17 quốc gia này tăng 2,7% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương như tháng 2 nhưng tăng so với mức 2,6% tính toán trước đó. Trong thời gian này, tỷ lệ lạm phát ở Italy là 3,8%, ở Bỉ là 3,1%, Đức 2,3% và Tây Ban Nha là 1,8%.

Nguyên nhân khiến giá tiêu dùng tăng là do giá dầu tăng cao. Giá dầu thô Brent xấp xỉ 120 USD/thùng đã tác động đến giá cả khi nền kinh tế đình trệ với tỷ lệ thất nghiệp cao, chính phủ cắt giảm chi tiêu và lòng tin kinh doanh giảm đã "gặm nhấm" khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.

Tình hình đó cộng với việc Tây Ban Nha và Italy quay trở lại mô hình khủng hoảng nợ đã làm gia tăng đồn đoán rằng ECB có thể làm nhiều hơn để kích thích kinh tế. Nhưng những số liệu lạm phát ở một mức độ nào đó đã trói buộc ngân hàng này.

Đề cập đến kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng ở Italy và Pháp, nhà kinh tế thuộc ING Martin van Vliet nói rằng "giá năng lượng cao và việc tăng các loại thuế gián tiếp có thể khiến tỷ lệ lạm phát cao hơn mục tiêu của ECB trong những tháng còn lại của năm nay". Theo bài viết đăng trên bản tin tháng tư của ECB, "tỷ lệ lạm phát ở khu vực này có thể trên 2% trong năm 2012, chủ yếu do những đợt tăng giá năng lượng gần đây."

Năng lượng chiếm khoảng 0,6 điểm phần trăm trong chỉ số lạm phát của Eurozone trong tháng 3. Nếu giá năng lượng không tăng, chỉ số giá tiêu dùng có thể ở quanh mức mục tiêu thấp của ECB nhưng vẫn gần 2%. Những quan ngại về sự gián đoạn nguồn cung do lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Iran, nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đẩy giá dầu thô Brent tăng khoảng 13% trong năm nay.

Nhà kinh tế Martin van Vliet cho rằng "ECB gặp trở ngại tương đối lớn trong việc tiếp tục cắt giảm lãi suất để giúp khôi phục tăng trưởng ở Eurozone". Hồi đầu tháng tư, ECB đã giữ nguyên lãi suất ở mức 1,0% trong tháng thứ tư liên tiếp, cưỡng lại những lời kêu gọi tiếp tục cắt giảm lãi suất từ các nhà chính trị châu Âu và các nhà kinh tế quốc tế hàng đầu, và để lạm phát tăng để thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, hầu hết các nhà kinh tế tin rằng kinh tế Eurozone đã rơi vào suy thoái sau sự suy giảm trong quý cuối cùng của năm 2011 và có thể suy giảm tiếp trong 3 tháng đầu năm nay./.

Hải Yến (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục