Giá hàng ngoại tăng, thêm cơ hội cho hàng Việt

Việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh giá đồng USD khiến giá cả hàng hóa những ngày gần đây tăng đáng kể, nhất là hàng nhập khẩu. 
Việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh giá đồng USD khiến giá cả hàng hóa những ngày gần đây tăng đáng kể.

Các mặt hàng nhập khẩu hoặc nguyên liệu đầu vào như ôtô, xe máy, máy tính, linh kiện máy tính, máy ảnh, thép, sữa... đều được điều chỉnh tăng giá khiến người tiều dùng phải lẹm thêm “hầu bao”.

Nhiều mặt hàng tăng giá

Việc tăng giá đầu tiên phải kể đến là mặt hàng ôtô. Chỉ sau vài ngày Ngân hàng Nhà nước công bố nâng tỷ giá hối đoái liên ngân hàng, hãng Toyota Việt Nam đã công bố biểu giá xe mới, với mức tăng từ 16-46 triệu đồng/xe. Theo đó, giá tăng mạnh nhất là xe Camry 3.5Q, tăng 46,6 triệu đồng, Camry 2.4G tăng 33,8 triệu đồng.

Các mẫu “hot” như Corolla Altis 2.0AT tăng 25,6 triệu đồng, mẫu 1.8AT tăng 23,5 triệu đồng, 1.8MT tăng 22,1 triệu đồng.

Chị Nguyễn Hà Lan ở phố Hai Bà Trưng Hà Nội cho biết, chị mua xe của Toyota Việt Nam và đã chuyển khoản tiền mua xe nhưng chưa đến lấy hóa đơn. Chỉ sau vài ngày sau, khi chị đến lấy hóa đơn thì đại lý yêu cầu phải nộp thêm mấy chục triệu đồng do giá xe tăng.

Tại một số cửa hàng xe máy trên Phố Huế (Hà Nội), xe nhập khẩu tay ga như Piagio, SH, Spacy, Honda cũng đều tăng giá từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/chiếc.

Anh Cường, một chủ cửa hàng xe máy trên Phố Huế cho biết, giá xe hiện nay đã tăng lên 10% so với tháng 10/2009.

Ghi nhận trên thị trường, giá chiếc máy tính và các phụ kiện khác như tai nghe, máy in... cũng tăng trung bình 10%.

Các mặt hàng như điện thoại di động, thiết bị số... các đại lý vẫn không tăng giá do sức mua đang giảm mạnh.

Còn với mặt hàng tiêu dùng, sau một thời gian giữ giá thì hiện nhiều mặt hàng đã “bứt phá” tăng giá theo thị trường. Chẳng hạn như giá gas, trong tháng 11, các công ty gas đã 3 lần tăng giá.

Lý giải về việc giá gas tăng, Phó phòng kinh doanh của Saigon Petro cho biết giá gas thế giới tháng 12 tăng 75 USD/tấn so tháng 11 và chênh lệch tỷ giá thanh toán ngân hàng cao.

Đợt tăng giá lần này cũng tập trung nhiều vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, mỹ phẩm, sữa... Đáng chú ý, nhiều hãng sữa đã và đang có kế hoạch đồng loạt tăng giá, trong đó không chỉ có sữa nhập ngoại mà cả sữa trong nước có nguyên liệu... nhập ngoại.

Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty thực phẩm dinh dưởng NutiFood cho biết, tỷ giá tăng khiến công ty gặp nhiều khó khăn vì tất cả nguyên liệu của công ty đều phải nhập khẩu. Do vậy, công ty đang xem xét thay đổi giá bán.

Cơ hội cho hàng Việt


Tại Hà Nội, đại diện một số siêu thị cho biết đã có khoảng 50 nhà cung cấp gửi thông báo tăng giá với mức tăng trung bình từ 2-10%. Tuy nhiên hầu hết các mặt hàng ở các siêu thị lớn như Big C, Metro vẫn chưa tăng.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C cho biết, giá hàng hóa trong siêu thị chưa tăng bởi các siêu thị có lượng hàng dự trữ lớn. Big C vẫn đang cố gắng kìm giá nhưng việc tăng giá hàng hóa là khó tránh khỏi, đặc biệt là hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia thì việc hàng hóa nhập khẩu tăng giá cũng chính là cơ hội để hàng nội “lên ngôi” chiếm lĩnh thị trường. Điều này chỉ thực sự được tận dụng hiệu quả nếu tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm trong nước chiếm tỷ lệ cao.

Ở một khía cạnh nào đó, sức ép do phụ thuộc quá lớn vào thị trường thế giới trong khi tỷ giá biến động sẽ là một đòn bẩy kích thích sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ồ ạt vào cuối năm.

Trở lại ưu thế của hàng Việt, ông Vũ Minh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định, để bình ổn giá và khuyến khích tiêu dùng hàng Việt trong thời điểm này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành chức năng, từ việc chống đầu cơ hàng hóa đến việc chống hàng giả, hàng lậu... đặc biệt là cần quan tâm tới người nghèo trước những "cơn bão giá"./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục