EU thông qua các biện pháp trừng phạt Guinea

Ngoại trưởng các nước EU đã quyết định áp đặt lệnh cấm vận vũ khí Guinea sau khi chính quyền nước này đàn áp đẫm máu người biểu tình.
Ngày 27/10, tại cuộc họp ở Luxembourg, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua quyết định áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Guinea.

Lệnh cấm trên được thông qua sau khi chính quyền quân sự nước này đàn áp đẫm máu những người biểu tình ủng hộ phe đối lập tại thủ đô Conakry, làm hơn 150 người thiệt mạng hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Bên cạnh đó, EU cũng sẽ hạn chế việc cấp thị thực tới EU và phong tỏa các tài khoản cá nhân trong bối cảnh viện trợ phát triển của EU dành cho Guinea đã bị đình chỉ từ hồi đầu năm 2009.

Tuyên bố của EU nêu rõ các biện pháp trừng phạt trên nhằm vào chính quyền quân sự của tướng Moussa Dadis Camara, người nắm quyền điều hành đất nước sau cuộc đảo chính hồi tháng 12/2008 và các thành viên thuộc Hội đồng quốc gia vì Dân chủ và Phát triển (CNDD) do tướng Camara đứng đầu.

Mỹ và 27 nước thành viên EU đã lên tiếng kêu gọi ông Camara từ chức trong khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thông báo đang tiến hành điều tra vụ thảm sát ở Guinea.

Trước đó, ngày 17/10, các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Guinea và cho rằng hành động trấn áp đẫm máu người biểu tình của chính quyền quân sự Guinea thực sự đe dọa tới hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực.

ECOWAS cũng đã đề nghị Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi, Tổng thống Nigeria Umaru Yar'Adua thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm giành được sự ủng hộ của Liên minh châu Phi (AU), EU và Liên hợp quốc để thực thi lệnh cấm vận này.

Chính quyền quân sự Guinea do tướng Camara đứng đầu đang bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ sau vụ các lực lượng an ninh trấn áp những người biểu tình đối lập ở Guinea ngày 28/9 làm ít nhất 157 người thiệt mạng và 1.253 người bị thương.

Tình hình Guinea trở nên căng thẳng từ khi tướng Camara nắm quyền lãnh đạo sau cuộc đảo chính tháng 12/2008. Ông đã giải tán quốc hội và tuyên bố chính quyền quân sự lãnh đạo đất nước Tây Phi này.

Căng thẳng gia tăng khi có thông tin ông Camara có thể ra tranh cử tổng thống vào tháng 1/2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục