Tiếp tục đàm phán

Iran và IAEA nhất trí tiếp tục đàm phán hạt nhân

Hai bên đã lên kế hoạch cho cuộc gặp tiếp theo về chương trình hạt nhân của Iran, song không thông báo ngày giờ và địa điểm cụ thể.
Hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran ngày 31/1 đưa tin Iran và phái đoàn thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), do trưởng thanh sát viên Herman Nackaerts dẫn đầu, đã kết thúc ba ngày đàm phán "tích cực và mang tính xây dựng."

Hai bên đã lên kế hoạch cho các cuộc gặp tiếp theo về chương trình hạt nhân của Iran, song không thông báo ngày giờ và địa điểm cụ thể.

Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran cho biết trong chuyến thăm vừa qua, đoàn thanh sát viên của IAEA đã không tới thị sát cơ sở hạt nhân nào của nước này, mà chỉ đến để đàm phán với các quan chức Iran. Nội dung của các cuộc thảo luận và những người tham gia không được tiết lộ.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết các quan chức cao cấp Nhật Bản và Mỹ sẽ nhóm họp lần thứ hai vào ngày 2/2 tới tại Mỹ để thảo luận về một số nội dung trong lệnh trừng phạt mới đối với Iran.

[IAEA kết thúc thanh sát Iran mà không có đột phá]

Theo ông Gemba, phía Nhật Bản sẽ một lần nữa yêu cầu Mỹ không áp dụng trừng phạt tài chính chống lại Iran, vốn gây ảnh hưởng tới Ngân hàng trung ương Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng khả năng Mỹ chấp thuận yêu cầu này là rất thấp.

Trong một diễn biến khác, ngày 31/1 các nghị sỹ Mỹ đã ngày thứ hai liên tiếp đề xuất siết chặt trừng phạt Iran nhằm gia tăng sức ép buộc nước Cộng hòa Hồi giáo này ngừng chương trình hạt nhân.

Đề xuất này do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, ông Howard Berman và thành viên Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Robert Menendez, đều là người của đảng Dân chủ đưa ra, trong đó kêu gọi trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Tehran và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Đề xuất Berman - Menendez kêu gọi trừng phạt các tổ chức tài chính không phải của Mỹ tạo điều kiện cho các giao dịch tài chính của Tập đoàn Dầu lửa quốc gia Iran (NIOC) hoặc Công ty Vận tải dầu quốc gia Iran (NITC) nếu Chính phủ Mỹ phát hiện hai công ty này liên quan đến IRGC.

Tuy nhiên, văn bản này đề nghị rằng các trừng phạt sẽ chỉ được áp dụng nếu tổng thống xác định rằng có đủ nguồn cung dầu mỏ và các sản phẩm liên quan từ các nước khác ngoài Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục