Giá hàng hóa tăng nhẹ nhưng sức mua chưa cao

Tại các siêu thị, chợ trên địa bàn Hà Nội, giá cả hàng Tết đến thời điểm hiện tại mới tăng nhẹ ở một số mặt hàng, đa phần vẫn bình ổn.
Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Dần nhưng sức mua của người tiêu dùng vẫn chưa tăng mạnh.

Qua khảo sát tại các siêu thị, chợ trên địa bàn Hà Nội, giá cả hàng Tết đến thời điểm hiện tại mới tăng nhẹ ở một số mặt hàng, còn đa phần vẫn bình ổn.

Hàng hóa tăng nhẹ

Đúng như dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, giá hàng Tết năm nay sẽ không biến động lớn và có tăng cũng chỉ ở mức độ nhẹ. Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở khẳng định: “Theo quy luật thị trường, giáp Tết Nguyên đán giá cả hàng hóa sẽ tăng nhưng năm nay không có hiện tượng tăng giá bất thường do thiếu hàng. Mức tăng sẽ dao động nhẹ từ 5-10%”.

Hiện hệ thống thương mại hiện đại tại Hà Nội chưa hoàn thiện, tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên thị trường phụ thuộc tới 80-85% vào các chợ, các cửa hàng đường phố. Khả năng kinh doanh của khu vực này phản ánh đúng tính chất của thị trường, luôn nhạy cảm với bất kỳ những thay đổi của xã hội, thậm chí mới chỉ là thông tin dự báo.

Vậy nhưng, theo phản ánh của các tiểu thương, Tết năm nay, chỉ có một số mặt hàng tăng nhẹ, đa phần là bình ổn.

Bà Nguyễn Thị Thu, chủ quầy hàng kinh doanh bánh mứt kẹo Tâm Thu 01S-A1, chợ Đồng Xuân cho biết: “Tất cả mặt hàng đều tăng nhưng không tăng nhiều do đây là chợ bán buôn. Cụ thể, giá bánh kẹo tăng không đáng kể so với những tháng trước, trung bình 1kg tăng từ 35.000 lên 40.000 đồng, hạt bí từ 85.000-90.000 đồng/kg tăng lên 95.000 đồng, ô mai gừng tăng từ 35.000 đồng lên 40.000 đồng/kg, kẹo ngô giữ nguyên 35.000 đồng/kg, bánh dừa giữ 60.000 đồng/kg…”.

Chị Nguyễn Thị Tuyến, chủ quầy hàng kinh doanh thủy hải sản Chiến Tuyến 83-C tại chợ Đồng Xuân cũng khẳng định: “Giá cả hàng thủy hải sản không biến động nhiều. Cá trắm đen giữ giá 110.000 đồng/kg, cá điêu hồng cũng giữ giá 65.000 đồng/kg, thậm chí cá trình giảm từ 220.000 đồng/kg xuống còn 200.000 đồng”.

Các siêu thị, trung tâm thương mại, nơi thực hiện việc bình ổn giá góp phần giữ bình ổn thị trường đều cam kết giữ giá ổn định trong dịp Tết.

Trong dịp này, nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, Big C Thăng Long giảm giá từ 5-50% cho 3.500 mặt hàng.

Sức mua chưa cao

Trái với những Tết trước, sức mua hàng hóa Tết Canh Dần năm nay chưa tăng mạnh, mặc dù các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng kinh doanh lớn đã chuẩn bị một lượng hàng hóa phong phú.

Các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Fivimart Hoàng Quốc Việt, Hapro Thụy Khuê và các chợ lớn như Đồng Xuân, chợ Bưởi, chợ Hôm khá vắng vẻ. Tại Siêu thị Fivimart Hoàng Quốc Việt vào tối chủ nhật, lượng khách vào mua chỉ ngang bằng với các ngày nghỉ khác; mỗi quầy thu ngân chỉ 1-2 khách thanh toán, thậm chí có quầy không một ai đứng đợi.

Ngay cả chợ đầu mối bán buôn Đồng Xuân cũng trong tình trạng này. Chị Nguyễn Minh Phương, chủ quầy hàng kinh doanh hàng khô Tâm Phương 92-B1 phàn nàn: “Thời điểm này mọi năm, chúng tôi bán buôn tới hai lượt rồi nhưng năm nay chưa thấy các cửa hàng bán lẻ vào mua. Tính đến thời điểm này, khả năng bán hàng Tết rất chậm”.

Theo nhận định của các siêu thị, các chợ và cửa hàng kinh doanh đường phố, từ cuối tuần tới, sức mua có khả năng tăng lên khi người dân được nghỉ làm, tranh thủ đi mua sắm. Bởi thực tế, sắm cho một cái Tết đầy đủ, người dân chỉ mất một vài buổi đi chợ hoặc đi siêu thị, vì hàng hóa hiện nay rất dồi dào, dễ lựa chọn./.

Đinh Thị Thuận (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục