Bóng đá Thụy Sĩ lần đầu bước lên đỉnh thế giới

Với chiến thắng 1-0 trước Nigeria trong trận chung kết U17 thế giới, bóng đá Thụy Sĩ lần đầu tiên lên ngôi tại một giải đấu quốc tế.
Với chiến thắng 1-0 trước Nigeria trong trận chung kết U17 thế giới, bóng đá Thụy Sĩ lần đầu tiên lên ngôi tại một giải đấu quốc tế tầm cỡ, tính ở mọi cấp độ.

Thụy Sĩ chưa bao giờ được đánh giá cao ở mọi giải đấu. Chẳng nói đâu xa, ở EURO 2008 tổ chức trên sân nhà thì đội tuyển nước này còn bị loại ngay từ vòng bảng. Song chức vô địch của các chàng trai U17 xứ sở đồng hồ và nhà băng thì cực kỳ thuyết phục.

Thụy Sĩ không đến đây với danh tiếng, bởi nền bóng đá của họ chỉ là con số 0 trên cả bản đồ thế giới lẫn ở tất cả các tuyến trẻ.

Họ cũng chẳng hề nhận được sự hậu thuẫn từ các khán đài như chủ nhà Nigeria. Ấy thế mà cái đất nước nhược tiểu trên bản đồ bóng đá ấy đã thổi bay tất cả với thành tích toàn thắng.

Ở vòng bảng, họ đã qua mặt cả Brazil (3 lần vô địch) lẫn Mexico (vô địch năm 2005). Từ vòng loại trực tiếp, Thụy Sĩ lần lượt hạ đo ván các đàn anh như Đức, Italy, rồi đại thắng Colombia 4-0 ở bán kết và cuối cùng là hạ Nigeria, chủ nhà kiêm đương kim vô địch.

Thụy Sĩ là một nhà vô địch muôn mặt và có khả năng làm hài lòng tất cả.

Với những ai thích tấn công, con số 18 bàn thắng (dẫn đầu danh sách phá lưới cùng với Tây Ban Nha) nói lên tất cả.

Với người nào tìm thấy vẻ đẹp trong cách đá tổ chức toan tính và thực dụng, thì Thụy Sĩ cũng đứng đầu luôn về số thẻ phạt (18 vàng, 2 đỏ) và sở hữu cầu thủ “dữ dằn” nhất vòng chung kết Oliver Buff (3 thẻ vàng, 1 lần bị đuổi khỏi sân).

Chưa hết, “ông vua tình cờ” ấy trở thành đội duy nhất duy trì được thành tích toàn thắng tất cả các trận ở giải năm nay, và xô đổ luôn chuỗi 13 trận bất bại ở các vòng chung kết U17 kéo dài từ năm 2003 của “cựu vương” Nigeria.

Về mặt cá nhân, họ sở hữu hai chân sút hàng đầu là Haris Seferovic (5 bàn) và Nassim Ben Khalifa (4), cùng thủ môn Benjamin Siergrist, người đoạt danh hiệu “Đôi găng vàng” của giải. Trên phương diện tập thể, họ là một đội ngũ đầy kỷ luật và đoàn kết.

Bàn thắng của Seferovic là hình ảnh đại diện cho sự vượt trội ấy của Thụy Sĩ đối với Nigeria. Seferovic không thể hay bằng Sani Emmanuel, người đã đoạt danh hiệu Quả bóng vàng của giải, cũng như xét từng cá nhân riêng lẻ, “Đại bàng xanh” vượt trội. Nhưng khi kết hợp lại, Thụy Sĩ là một bó đũa mạnh mẽ hơn.

Đằng sau Seferovic là cả một tập thể sẵn sàng hỗ trợ anh bất cứ lúc nào, còn phía sau Emmanuel có những Stanley Okoro, và cầu thủ chạy cánh Roman Azeez (Quả bóng đồng), nhưng sự gắn kết của họ còn là một thứ xa xỉ.

Okoro vẫn thích tỉa những quả bóng khó khăn theo ý thích của mình, Emmanuel đơn độc trong những nỗ lực đột phá, còn Azeev bực tức đá tung chai nước bên ngoài đường piste khi những cú dắt bóng tối tăm của cậu ta lần lượt đi vào ngõ cụt.

Sự thoái vị của đương kim vô địch Nigeria có thể được coi là điều tất yếu, bởi ở vòng chung kết U17 năm 2009, định mệnh đã cho một nhà vô địch tình cờ xuất hiện.

Dù xét ở khía cạnh nào, người ta cũng không thể tìm ra ai xứng đáng hơn Thụy Sĩ. Một ông vua có tì vết (tất nhiên), nhưng không thể gây ra tranh cãi./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục