Nhà thầu thờ ơ với dự án cầu đường sắt Thống Nhất

Nguyên nhân nhà thầu "thờ ơ" tham gia dự án này là do hầu hết những cây cầu đều có quy mô nhỏ, nằm rải rác ở những khu vực khó tiếp cận.
Ông Trần Quốc Đông, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã qua hơn 3 lần mời sơ tuyển nhưng đến nay, Dự án khôi phục 44 cầu đường sắt Thống Nhất vẫn chưa có nhà thầu nào tham gia.

Theo ông Đông, nguyên nhân nhà thầu "thờ ơ" tham gia dự án này là do hầu hết những cây cầu đều có quy mô nhỏ, nằm rải rác ở những khu vực khó tiếp cận nên điều kiện thi công khó khăn.

Cái khó nữa là Việt Nam mới chỉ có duy nhất một hệ thống đường ray đơn để đảm bảo thông suốt đường sắt Thống Nhất 24/24h. Do đó, để đảm bảo tiến độ dự án này, việc bố trí thời gian thi công cũng khó khăn. Đối với cách làm của các nhà thầu nước ngoài, điều này gần như không được họ chấp nhận.

Hơn nữa, đối với dự án này, phía nhà tài trợ Nhật Bản vẫn yêu cầu trên 30% tỷ lệ hàng hóa, thiết bị của dự án phải có xuất xứ từ Nhật Bản.

Trước tình hình trên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã trình hai phương án tháo gỡ nhằm nhanh chóng tìm được nhà thầu cho dự án này.

Phương án 1, đề nghị phía nhà tài trợ mở rộng điều kiện cho các đối tượng tham gia đấu thầu (tạo điều kiện trực tiếp cho các nhà thầu trong nước). Điều này có thuận lợi trực tiếp là các nhà thầu Việt Nam có thể linh động về thời gian thi công hơn rất nhiều so với các nhà thầu nước ngoài và thuận lợi về lao động, vận chuyển nhân công….

Phương án 2, về phần xuất xứ hàng hóa, thiết bị có thể tính tổng trên 30% cho cả dự án chứ không nên tính từng gói thầu nhỏ. Vì như vậy, đối tượng nhà thầu tham gia mới thực sự đa dạng mà vẫn đảm bảo theo yêu cầu của nhà tài trợ.

Dự án khôi phục 44 cầu đường sắt Thống Nhất là dự án hạ tầng trọng điểm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, có tổng vốn đầu tư trên 2.471 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự án bao gồm việc khôi phục 44 cầu và 37,6km đường sắt các khu vực hai đầu cầu, nâng cấp cải tạo 55 đường ngang, xây dựng mới hai cầu vượt đường sắt và ga Ninh Bình...

Theo Tổng Công ty, dự án này khi hoàn thành sẽ xóa bỏ được 44 điểm xung yếu trên tuyến Thống Nhất, góp phần nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo an toàn và rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc-Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục