Mỹ, châu Âu đối mặt thiếu lương thực và giá cả tăng

Giới chuyên gia cảnh báo Mỹ và châu Âu cần chuẩn bị cho một đợt thiếu hụt dầu mỏ, lương thực, thực phẩm, khiến giá cả sẽ tăng mạnh.
Trước thềm hội nghị Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên hợp quốc diễn ra ngày 2/11 tại London (Anh), giới chuyên gia cảnh báo Mỹ và châu Âu cần chuẩn bị cho một đợt thiếu hụt dầu mỏ, lương thực và thực phẩm, khiến giá cả sẽ tăng mạnh.

Hội nghị của WB và Liên hợp quốc với sự tham dự của các chính khách và chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ nhiều nước sẽ bàn về vấn đề an ninh lương thực.

Hiện đã xuất hiện mối lo ngại rằng tăng trưởng dân số, biến đổi khí hậu, sức ép về nguồn nước sạch và việc sử dụng ngày càng nhiều cây lương thực làm nhiên liệu đang đe dọa tạo ra một "làn sóng" thiếu hụt lương thực và giá cả tăng vọt tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, ngay cả các nước phát triển cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt hàng hóa.

Tờ “Người bảo vệ” (Anh) ngày 1/11 dẫn lời nhà kinh tế Jeffrey Currie, Trưởng ban nghiên cứu hàng hóa tại công ty Goldman Sachs, nói rằng “các nước giàu sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua đồng, đậu tương và dầu mỏ".

Theo ông Currie, một khi nền kinh tế thế giới hồi phục, các vấn đề nói trên xuất hiện rõ nét hơn. Đặc biệt, Mỹ sẽ phải thay đổi đáng kể cách thức tiêu dùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài ra, việc tăng cường trồng cây lương thực phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học cũng làm gia tăng sức ép đối với vấn đề lương thực toàn cầu.

Tình trạng Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quỹ đầu tư mua đất ở các quốc gia cận Sahara châu Phi để đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước đang tăng lên trong những tháng gần đây, mặc dù điều này là cần thiết để mang lại nguồn vốn phát triển cho ngành nông nghiệp các nước châu Phi.

Mark Cackler, Giám đốc phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn của WB dự đoán tình trạng giá hàng hóa bất ổn định sẽ gia tăng và mặt bằng giá cả sẽ cao hơn trung bình ít nhất từ nay đến năm 2015.

Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết trong 2 năm qua, số người thiếu ăn trên thế giới đã tăng từ 830 triệu lên 1 tỷ. WB đang đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp sau nhiều thập niên không quan tâm tới vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục