Australia, Anh hỗ trợ Việt Nam hội nhập kinh tế

Một thỏa thuận tiếp tục giúp Việt Nam phát huy lợi ích của tự do hóa thương mại, thực hiện cam kết sau khi gia nhập WTO, ký ngày 20/1.
Một thỏa thuận đồng tài trợ, tiếp tục giúp Việt Nam phát huy những lợi ích của việc tự do hóa thương mại và thực hiện các cam kết sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã được ký ngày 20/1 tại Hà Nội.

Thỏa thuận này được ký giữa đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID), Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) và Bộ Công Thương Việt Nam.

Thỏa thuận nhằm tài trợ cho giai đoạn II của Chương trình Hỗ trợ kỹ thuật mang tên “Duy trì sự phát triển bền vững và lợi ích xóa đói giảm nghèo thông qua việc thực hiện các cam kết WTO”, thường được gọi là chương trình hậu WTO.

Theo thỏa thuận, AusAID sẽ tài trợ 12 triệu đôla Australia (tương đương 180 tỷ đồng) và DFID sẽ hỗ trợ 3,4 triệu bảng Anh (tương đương 105 tỷ đồng). Chương trình được thực hiện trong 5 năm, kéo dài từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2013, cũng sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết ngay sau khi chính thức trở thành thành viên của WTO, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động với 12 nhóm giải pháp chính sách lớn. Chương trình này đã được khẩn trương triển khai sâu rộng đến các bộ, ngành, địa phương để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức khi gia nhập WTO.

Giai đoạn I của Chương trình hậu WTO đã hỗ trợ việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ cũng như chương trình hành động cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Giai đoạn này cũng giúp tìm ra các biện pháp cho Việt Nam áp dụng để phát huy tối đa các cơ hội mà WTO mang lại; đồng thời giúp đỡ người nghèo và những nhóm dễ bị tổn thương được tham gia hưởng lợi.

Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Allaster Cox, những nội dung này rất quan trọng để đảm bảo Việt Nam có một vị thế có thể phát huy tối đa lợi ích của việc nối lại các dòng chảy thương mại và đầu tư khi cuộc khủng hoảng hiện nay qua đi.

Đại sứ Australia cho rằng cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, để có thể tận dụng được lợi thế khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, Việt Nam cần tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng được các cơ sở vững chắc để thu hút các nguồn vốn đầu tư dài hạn, cũng như tạo ra các chính sách tốt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Trưởng đại diện của DFID tại Việt Nam, bà Fiona Lappin phát biểu DFID cam kết hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo rằng người nghèo được bảo vệ và không phải chịu các ảnh hưởng tiêu cực từ việc tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế.

Trong giai đoạn II, Chương trình hậu WTO sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết gia nhập WTO và các thỏa thuận khu vực cũng như toàn cầu khác bao gồm tăng cường thể chế kinh tế thị trường trên các lĩnh vực như cạnh tranh, cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý đất đai; giúp đỡ khu vực nông thôn đối phó với những tác động của quá trình hội nhập kinh tế thông qua nghiên cứu và phân tích các cơ hội thị trường mới để giúp công tác hoạch định chính sách.

Tăng cường năng lực cho các cơ quan đảm trách việc thực hiện cải cách kinh tế của Việt Nam và triển khai hoạt động tại cấp tỉnh để hỗ trợ việc triển khai các bước đổi mới kinh tế then chốt, cũng là những nội dung của Chương trình hậu WTO.

Tại lễ ký kết, đại diện Việt Nam và các nhà tài trợ cũng giới thiệu kế hoạch năm đầu tiên của giai đoạn II bao gồm 20 dự án được triển khai từ tháng 10/2009-12/2010. Do nhu cầu về hỗ trợ kỹ thuật trên lĩnh vực này rất lớn, Chương trình có cơ chế mở để thu hút các nhà tài trợ khác có thể cùng tham gia./.

Hoàng Thị Hoa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục