Hậu mùa lịch 2010: Dư thừa nhưng không nhiều!

Mùa lịch 2010 đã gần như khép lại và đây cũng là năm thứ 4 thực hiện chủ trương “xã hội hóa” công tác xuất bản, phát hành lịch bloc.
Mùa lịch năm 2010 đã gần như khép lại. Đây cũng là năm thứ 4 thực hiện chủ trương “xã hội hóa” công tác xuất bản, phát hành lịch bloc.

Nếu như những năm đầu, các nhà sản xuất chưa lường hết được nhu cầu thị trường, in ấn tràn lan dẫn đến số lượng lịch bloc tồn kho, ế đọng nhiều gây lãng phí lớn thì những năm sau này, các nhà xuất bản, các nhà đầu tư đã thận trọng hơn nên lượng hàng tồn kho giảm dần, không còn bức xúc như những năm trước.

Dạo một vòng quanh những phố lịch như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Hàng Trống, những cửa hàng văn hóa phẩm trên địa bàn Hà Nội, có thể nhận thấy nhiều cửa hàng kinh doanh, nhà sách đã không còn bày bán hoặc chỉ còn lác đác vài cuốn bloc.

Một số cửa hàng vẫn có lịch bloc bày bán nhưng số lượng cũng không nhiều như trước. Nhà sách Tân Việt, nhà sách Ngân Nga (Đinh Lễ) cách đây khoảng 1 tháng lịch vẫn chất đầy, nhưng đến thời điểm này thì số lượng lịch bày bán cũng không còn nhiều.

Một nhân viên nhà sách Tân Việt cho biết lịch do nhà sách nhập về bán đã hết, số lịch hiện tại là do một số nhà xuất bản, nhà đầu tư ký gửi, nhưng số lượng cũng không nhiều. Một số loại lịch bloc đã bán hết từ rất sớm.

Từ giữa tháng 12, những bloc cao cấp, đẹp như loại lịch bloc cực đại giá 205.000 đồng, lịch bloc giá 110.000 đồng của Công ty Trí Đức cơ bản đã bán hết. Những loại bloc cao cấp giá 420.000 đồng của Công ty Trí Đức, Duyên Việt cũng đã bán hết.

Ông Nguyễn Văn Cừ, Giám đốc nhà xuất bản Văn học cho biết hiện tại, lịch siêu đại của nhà xuất bản Văn học đã bán hết, lịch tiểu và lịch trung vẫn còn. Đây là loại lịch phục vụ cho bà con vùng sâu, vùng xa và nhà xuất bản vẫn tiếp tục chuyển về các địa phương để bán. Theo ông Cừ, mặc dù số lượng hàng tồn vẫn còn, nhưng năm nay việc kinh doanh lịch của nhà xuất bản Văn học vẫn có lãi.

Ông Phạm Quý Thế, Trưởng phòng Văn hóa phẩm Tổng Công ty Sách Việt Nam cho biết hầu hết các nhà xuất bản, nhà đầu tư đều có chung nhận định rằng thị trường lịch bloc năm nay thắng lợi.

Năm nay, các nhà xuất bản cũng rút kinh nghiệm từ các năm trước, có những nhận định, đánh giá thị trường sát thực tế hơn nên đã biết dừng đúng lúc, đúng thời điểm không gây dư thừa nhiều. Hiện nay, trên thị trường tuy vẫn còn bày bán nhiều loại lịch bloc, nhưng nếu hỏi mua với số lượng lớn thì chắc chắn sẽ không còn.

Ông Thế nói vui: “Nếu bây giờ ra hỏi mua khoảng 200 cuốn lịch bloc thì cả phố Nguyễn Xí sẽ nháo nhào lên ngay, vì sẽ không đại lý nào còn nhiều hàng thế!”. Điều này chứng tỏ việc lịch tồn kho với số lượng lớn là không có cơ sở.

Các nhà sản xuất, kinh doanh lớn còn một số lượng hàng nhất định để bán đến Tết. Ngay như Tổng Công ty Sách đến nay vẫn còn khoảng 50 triệu tiền hàng. Nhưng ông Thế cho rằng, đó là con số rất bình thường, bởi theo ông, không phải sang năm mới là hết mùa lịch. Có nhiều người do công việc quá bận rộn, hoặc do chưa tiện nên chưa đi mua lịch, mà gần Tết Nguyên đán mới đi mua, thậm chí có năm đến tháng 4 vẫn còn có khách hỏi mua lịch.

Tuy nhiên, ông Thế cũng thừa nhận, đối với mặt hàng thời vụ thì việc tồn kho là không thể tránh khỏi, nhưng tồn kho với một số lượng nhất định là chấp nhận được. Khó có thể có chuyện đến 30 Tết là hết lịch. Mùa kinh doanh lịch lãi vài trăm triệu, có bị tồn vài triệu tiền hàng là điều hết sức bình thường đối với nhà sản xuất.

Nói như vậy không có nghĩa là mọi đơn vị sản xuất kinh doanh lịch đều thắng lợi. Bởi trên thực tế, có một vài nhà xuất bản, nhà đầu tư không dự kiến được cơ cấu lịch bloc, lịch tờ mà người tiêu dùng cần để tổ chức sản xuất, dẫn đến việc còn một số sản phẩm do không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên không bán được, dẫn đến tình trạng tồn kho với số lượng lớn.

Đặc biệt, những loại lịch bloc in trên giấy mỏng, loại nhỏ giá khoảng 10.000 đồng/bloc là loại lịch bị ế đọng nhiều nhất.

Tuy nhiên, việc ế đọng cũng không tạo nên làn sóng phá giá của lịch bloc trên thị trường. Việc xã hội hóa sản xuất và kinh doanh lịch cũng khiến cho các công ty, đại lý phát hành lịch ở các tỉnh lẻ, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa nhập hàng cầm chừng vì sợ tồn kho nên những vùng này vẫn thiếu lịch.

Ông Phạm Quý Thế cho biết kể từ khi xã hội hóa công tác xuất bản, phát hành lịch bloc, giá lịch đã giảm khoảng 15-20% so với trước đây, mẫu mã và chất lượng lịch ngày càng đẹp hơn, tốt hơn. Người tiêu dùng bước đầu đã được hưởng lợi từ cơ chế này.

Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng khiến cho sự cạnh tranh bán hàng dẫn đến việc phá giá ngay từ đầu vụ. Nếu như Hiệp hội các nhà xuất bản, các nhà làm lịch có sự liên kết chặt chẽ, thống nhất hơn, công tác thống kê, kế hoạch, dự báo tốt hơn thì sẽ hạn chế được hàng tồn, tránh lãng phí và lợi nhuận thu được sẽ cao hơn./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục