Thủ lĩnh phiến quân Congo ra đầu thú tại Rwanda

Ngày 18/3, thủ lĩnh nhóm phiến quân M23 ở Congo, Bosco Ntaganda đã ra đầu thú tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kigali của Rwanda.
Các quan chức Mỹ và Rwanda cho biết, ngày 18/3, thủ lĩnh nhóm phiến quân M23 ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Bosco Ntaganda đã ra đầu thú tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kigali của Rwanda.

Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ, khi đến đầu thú, Ntaganda đã yêu cầu được đưa đến Tòa án Hình sự Quốc tế tại La Hay (The Hague).

Ntaganda bị cáo buộc kích động cuộc nổi loạn chống chính quyền Kinshasa năm ngoái và bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã do các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, trong đó có các tội cưỡng hiếp, giết người và sử dụng lính trẻ em.

Mỹ và Rwanda đều không ký kết quy chế về thành lập ICC, do đó hai nước này không có nghĩa vụ phải giao Ntaganda cho tòa án này. Tuy nhiên, việc Ntaganda đầu thú tại Đại sứ quán Mỹ ở Rwanda đã làm nảy sinh những khó khăn về ngoại giao cho cả Washington và Kigali. Trước đó, Congo đã yêu cầu Rwanda từ chối cấp nơi ẩn náu cho Ntaganda.

Người phát ngôn của ICC cho biết tòa án này đang xác nhận việc đầu thú của Ntaganda. Sau khi thông tin được xác nhận, ICC sẽ sắp xếp đưa Ntaganda đến La Hay. Người phát ngôn ICC cũng cho biết các quốc gia không ký kết quy chế ICC cũng có thể hợp tác với tòa án trên cơ sở tự nguyện.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, giao tranh giữa các tay súng phiến quân M23 và quân đội Congo tại tỉnh Bắc Kivu từ tháng 5/2012 đã buộc 500.000 người phải sơ tán lánh nạn, trong đó hơn 25.000 người đã chạy sang Rwanda.

Đại diện trung gian hòa giải giữa chính phủ Congo và nhóm M23, Bộ trưởng Quốc phòng Uganda Crispus Kiyonga ngày 18/3 cho biết các cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong vòng một tuần tới.

Ntaganda bị cáo buộc đã gây nhiều tội ác tại vùng Ituri ở miền Đông Bắc Congo trong năm 2002-2003 và đã tuyển mộ các tay súng trẻ em tham gia các hoạt động phiến loạn ở Bắc Kivu năm ngoái. Theo các điều tra viên của Liên hợp quốc, Ntaganda đã tích lũy được số của cải lớn nhờ các hoạt động kiểm soát nhiều khu mỏ tại tỉnh này.

Các nước láng giềng của Congo cũng thường xuyên bị Kinshasa cáo buộc can thiệp vào miền Đông nước này nhằm kiểm soát nguồn khoáng sản tại đây./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục