Quan hệ kinh tế Pháp-Việt vẫn duy trì tăng trưởng

Mặc dù tình hình kinh tế nước Pháp gặp khó khăn, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Pháp hai năm qua vẫn đạt mức tăng trưởng khá.
Mặc dù tình hình kinh tế nước Pháp gặp khó khăn, trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Pháp hai năm qua vẫn tăng trưởng khá.

Năm 2011, tổng giá trị trao đổi hàng hóa Việt- Pháp ước đạt 2,2 tỷ euro, tăng 10,9%, trong khi đó năm 2010 đạt hơn 2,15 tỷ euro, tăng 19% so với 2009. Xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp ước đạt 1,6 tỷ euro, tăng 18,5%.

Nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp tăng đột biến từ cuối năm 2009 và vẫn duy trì tốc độ tăng cao cho đến hết 2010. Cả năm 2010 nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 800 triệu euro, tăng gần 50%, và tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2011, nhưng chững lại trong quý 3 và giảm mạnh trong quý 4.

Tính đến cuối năm 2011, Việt Nam nhập khẩu từ Pháp ước đạt 600 triệu euro, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Pháp đạt khoảng 550 triệu euro năm 2010 và dự kiến chạm ngưỡng 1 tỷ euro năm 2011.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có đồ gia dụng, giày dép và sản phẩm dệt may đạt mức tăng trưởng cao và ổn định (tăng tương ứng 11%, 16% và 23%). Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh năm 2010 (37%) nhưng chỉ tăng 5% năm 2011.

Xuất khẩu sản phẩm cơ khí tăng kỷ lục 70% năm 2010 nhưng lại giảm -15% năm 2011. Tăng trưởng xuất khẩu 2011 tính trên tất cả các sản phẩm ước đạt 18%, tính trên 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực ước đạt 30%.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt nam tại Pháp cho biết xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp tăng liên tục thời gian qua chủ yếu nhờ cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất sang thị trường này có tỷ trọng hàng tiêu dùng thiết yếu cao với giá cả hợp lý và chất lượng đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng Pháp.

Nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2000-2010 do Việt Nam đẩy mạnh hiện đại hóa các ngành công nghiệp, phát triển ngành hàng không dân dụng và bắt đầu hình thành tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập trên trung bình.

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2011 xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam giảm dần tập trung vào các loại xe du lịch, rượu vang và mỹ phẩm.

Biến động tỷ giá bất thường giữa đồng (Việt Nam) và euro trong năm 2011 cũng là một nguyên nhân đáng kể khác ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Việt-Pháp. Xu hướng tăng giá đồng euro đã gây bất lợi cho xuất khẩu của Pháp trong khi có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.

Dự kiến trong năm 2012 và các năm sau đó một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hàng may mặc, giầy thể thao, gạo, càphê, hồ tiêu và thủy sản bắt đầu được người tiêu dùng Pháp, trong đó có cộng đồng đông đảo người Việt Nam và các cộng động gốc châu Á khác, tín nhiệm và ưa chuộng.

Các nhóm sản phẩm này có sức cạnh tranh đang lên trên thị trường Pháp và có thể sẽ gia tăng thị phần tại Pháp.

Ông Cảnh Cường cũng nhấn mạnh mặc dù vậy, một số mặt hàng thủy sản có thể “đang trong tầm ngắm” của các cơ quan chuyên trách về phòng vệ thương mại, an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và các tổ chức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật của Pháp và Liên minh châu Âu (EU).

Do vậy, các doanh nghiệp thủy sản cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và cẩn trọng về điều kiện thanh toán trong hợp đồng xuất khẩu để tránh tổn thất.

Ngoài hàng tiêu dùng thiết yếu bình dân, thị trường Pháp cũng có nhu cầu đáng kể hàng tiêu dùng cao cấp dành cho tầng lớp dân cư có thu nhập cao và khách du lịch.

Nhóm khách hàng này có số lượng ít hơn người tiêu dùng thu nhập thấp và trung bình nhưng sức mua rất lớn nên có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có khả năng sản xuất sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao.

Về giá cả, các lọai thủy sản, hàng dệt may và giày dép có xu hướng tăng giá nhẹ trong khi đồ dùng gia đình, đồ gỗ công nghiệp và dụng cụ cơ khí có giá ổn định thậm chí giảm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn tại Pháp khi phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm tương tự có xuất xứ từ các nước được hưởng chính sách thương mại ưu đãi của EU (Đông Âu, châu Phi, các nước vùng Caribe và Địa Trung Hải…).

Ngược lại, xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam cũng chịu sức ép cạnh tranh đáng kể của các sản phẩm đến từ các nước láng giềng của Việt Nam với giá cả rẻ hơn, thậm chí còn được hưởng ưu đãi tiếp cận thị trường nhờ có các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Tình hình này sẽ tiếp tục gây bất lợi cho quan hệ thương mại Việt Nam-Pháp nếu EU và Việt Nam không đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại tự do giữa hai bên trong khi mỗi bên lại tham gia vào các thỏa thuận mở cửa thị trường với các nền kinh tế khác./.

Lê Hà/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục