Thế giới mất 7 tỷ USD để chống cướp biển năm 2011

Năm 2011, thế giới mất khoảng 7 tỷ USD để chống cướp biển, trong đó 2 tỷ USD dành cho tuần tra, trang bị vũ khí cho các tàu thuyền.
Năm 2011, thế giới đã chi phí khoảng 7 tỷ USD để ngăn chặn và chống cướp biển, trong đó 2 tỷ USD dành cho các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, trang bị vũ khí và thiết bị bảo vệ cho các tàu thuyền lưu thông trên các đại dương.

Theo các nhà phân tích, lực lượng hải quân nước ngoài và lực lượng an ninh vũ trang đã hạn chế khá nhiều khả năng của cướp biển Somalia nhưng để chấm dứt tai họa này, cần phải có các giải pháp trên đất liền.

Cướp biển Somalia, chuyên bắt giữ các tàu qua Ấn Độ Dương để đòi tiền chuộc, với chi phí lên tới hàng tỷ USD mỗi năm và hiện đang phân nhánh để gia tăng các cuộc tấn công trên đất liền.

Ông Stig Jarle Hansen, một học giả Na Uy và là chuyên gia về Somalia cho biết: "Tỷ lệ cướp biển bắt giữ thành công được các tàu đã giảm mạnh, bọn chúng gặp khó khăn trong việc bắt giữ tàu thuyền.”

Còn J. Peter Pham thuộc Viện Chính sách Hội đồng Đại Tây Dương nói: “Các cuộc tấn công của cướp biển khó thành công là do lực lượng an ninh vũ trang và các biện pháp an ninh khác.”

Thực tế, người ta đã nhận thức được rằng phòng thủ là cách tốt nhất nên các tàu thuyền đã tăng cường phát triển lực lượng an ninh riêng, có trang bị vũ khí, có thể chống trả lại cướp biển.

Tuy nhiên, trong lúc các cuộc tấn công giảm đi thì số tiền chuộc lại tăng lên. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu về cướp biển, có trụ sở tại Mỹ, số tiền chuộc trung bình vào năm 2011 tăng lên mức 5 triệu USD, thay cho mức 4 triệu USD vào năm 2010.

Các cuộc tấn công ở Somalia khiến thế giới tiêu tốn gần 7 tỷ USD vào năm 2011, trong đó bao gồm hơn 2 tỷ USD cho các hoạt động quân sự, lực lượng an ninh vũ trang và trang thiết bị để bảo vệ các con tàu.

Theo nhóm giám sát Ecoterra, nhiều băng nhóm cướp biển vớ được những “mẻ” lớn với ít nhất 34 tàu thuyền và trên 400 con tin. Cướp biển có thể sử dụng thuyền nhỏ, có móc kéo và có cả lựu đạn.

Rashid Abdi, chuyên gia dày kinh nghiệm về Somalia nhận định cho dù "mức độ hung hăng" của lực lượng tuần tra hải quân nước ngoài có thể cản trở được các cuộc tấn công của cướp biển thì chiến thuật này cũng không phải là giải pháp lâu dài.

Ảnh hưởng của hoạt động cướp biển rất lớn, và việc tìm kiếm các giải pháp để chấm dứt mối đe dọa này là nội dung chính tại hội nghị về Somalia ngày 23/2 tại London sau quyết định của Anh về việc huy động lực lượng quốc tế để chống cướp biển.

Các nhóm cướp biển đã tái định cư ở những vùng xa, và hiện nay chúng bắt cóc người nước ngoài để đòi tiền chuộc. Các băng nhóm cướp biển đã thắt chặt an ninh sau khi bị một Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ hồi tháng trước đột kích, giải cứu hai nhân viên cứu trợ - một người Mỹ và một người Đan Mạch bị bắt làm con tin trong ba tháng, và giết tất cả chín kẻ bắt cóc.

Tuy nhiên, không thể ngăn chặn cướp biển Somaila bằng một kế hoạch đơn giản và nhanh chóng. Chuyên gia Rashid Abdi cho rằng “Chúng ta cần phải sớm tìm kiếm một giải pháp toàn diện.”

Các nhà phân tích cho rằng cần phải có giải pháp trên đất liền. Học giả Hansen nói: "Giải pháp vẫn là ở trên bờ, đặc biệt là việc xây dựng Puntland.”

Puntland là khu vực phía Bắc bán tự trị của Somalia, nơi có nhiều băng nhóm cướp biển. Theo Viện chính sách Chatham House của Anh, tiền chuộc nên được đổ tới các thành phố thuộc Puntland với lợi ích lâu dài cho người dân ven biển. Nên có các nỗ lực tiếp cận các cộng đồng ven biển để "mang lại cho họ một sự thay đổi mà đưa đến nhiều lợi ích hơn so với những gì cướp biển mang lại."/.

N.A (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục