Ưu tiên đường thủy, đường sắt để tiết kiệm nhiên liệu

Vì lý do tiết kiệm nhiên liệu, quốc gia đang kêu gọi chuyển từ vận tải  đường bộ, hàng không sang đường sắt và đường thủy nội địa.
Theo các chuyên gia trên thế giới, tăng cường vận tải bằng đường sắt và đường thủy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu, là yếu tố quan trọng để xây dựng hệ thống giao thông vận tải bền vững, thân thiện môi trường. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đang kêu gọi việc chuyển đổi từ phương thức vận tải bằng đường bộ, đường hàng không sang đường sắt và đường thủy nội địa. Để có kế hoạch chuyển đổi phù hợp ở Việt Nam, trước tiên cần đánh giá vai trò của vận tải đường sắt và đường thủy nội địa trong hoạt động của toàn ngành: Trong vận tải hành khách, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng khối lượng luân chuyển (75,1%), tiếp đến là hàng không (17,4%), đường sắt (3,8%) và đường thủy nội địa (3,4%).  

Trong vận tải hàng hóa, ngành hàng hải đóng vai trò quan trọng (chiếm 75,1%), tiếp đến là đường bộ (15,7%), đường thủy nội địa (7%). Vận tải đường sắt chỉ chiếm gần 2%. Qua các số liệu trên có thể thấy rõ sản lượng vận tải đường sắt và đường thủy nội địa ở Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế.  

Về tình hình tiêu thụ năng lượng và phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải: việc chuyển đổi phương thức vận tải hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do còn tồn đọng nhiều các loại phương tiện có lượng phát thải cao và tiêu thụ nhiều năng lượng nên cần có thời gian để chuyển đổi sang loại phương tiện thân thiện môi trường. Ngoài ra, chúng ta còn rất thiếu nguồn nhân lực, một nguồn lực vô cùng quan trọng để có thể triển khai được quá trình chuyển đổi trên. Hiện chúng ta còn rất ít chuyên gia sâu trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta có thể xem xét xây dựng kế hoạch thực hiện một số hoạt động sau nhằm đẩy mạnh việc sử dụng đường sắt và đường thủy: Quy hoạch các dry ports, ICDs, điểm giao nhận hàng hóa để tăng cường khả năng vận chuyển từ cửa đến cửa cho ngành đường sắt, đường thủy nội địa; Cải thiện cơ sở hạ tầng và hoạt động của ngành đường sắt để tăng tính cạnh tranh so với các loại hình vận tải khác bao gồm: kêu gọi đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển phương tiện, thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng mức giá vận chuyển phù hợp; Cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng cường hoạt động nạo vét, mở rộng luồng tuyến để nâng cao năng lực vận chuyển của các tuyến vận tải thủy nội địa./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục