Nga phản đối các biện pháp trừng phạt thêm Iran

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, mọi trừng phạt thêm Iran được cộng đồng quốc tế coi là biện pháp nhằm thay đổi chế độ ở Tehran.
Hãng tin AFP/AP ngày 9/11 đưa tin, Nga đã bác bỏ việc nước này sẽ ủng hộ những biện pháp trừng phạt Iran mới, bất chấp một báo cáo cứng rắn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bị tình nghi của nhà nước Hồi giáo.

Hãng Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov nói: "Mọi trừng phạt thêm đối với Iran sẽ được cộng đồng quốc tế coi là những biện pháp nhằm thay đổi chế độ ở Tehran. Chúng tôi không thể chấp nhận cách tiếp cận này và Nga không có ý định xem xét đề xuất đó."

Tuy nhiên, ông Gatilov không cho biết cụ thể liệu trên thực tế, Mátxcơva có phủ quyết các biện pháp trừng phạt bổ sung hay không.

Cùng ngày, Đức dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mới và cứng rắn hơn đối với Iran nếu nước này từ chối trả lời những câu hỏi của quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Berlin kiên quyết phản đối mọi hành động quân sự nhằm vào Iran.

[Nga: Tấn công Iran là "sai lầm vô cùng nghiêm trọng"]

Trong khi đó, Anh cảnh báo sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt mới nếu Tehran không "thay đổi hướng đi". Phát biểu trước Quốc hội Anh, Ngoại trưởng William Hague cảnh báo chương trình hạt nhân của Iran có nguy phá hoại những thành tựu đạt được ở Trung Đông trong Mùa Xuân Arập.

Ông Hague nói: "Những tuyên bố của Iran vài năm gần đây rằng chương trình hạt nhân của họ hoàn toàn vì mục đích hòa bình là hoàn toàn không thể tin được. Iran đang đẩy nhanh việc làm giàu urani lên mức không phải để sử dụng dân sự mà có thể dễ dàng và nhanh chóng chuyển thành vật liệu ở cấp độ vũ khí."

Ông khẳng định: "Nếu Tehran từ chối tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân của họ, chúng tôi phải tiếp tục tăng cường sức ép và chúng tôi đang cùng các đối tác của mình cân nhắc một loạt biện pháp trừng phạt bổ sung."

Theo giới phân tích, báo cáo cứng rắn của IAEA về chương trình hạt nhân của Iran có lẽ chưa đủ để thuyết phục Nga và Trung Quốc về sự cần thiết của những biện pháp trừng phạt mới với Tehran./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục