"Chờ ngày đi bỏ phiếu"

"Mọi việc đã hoàn tất chờ ngày cử tri đi bỏ phiếu"

Sau những nỗ lực chuẩn bị cho ngày bầu cử, mọi chuyện sẵn sàng để chờ cử tri đi bỏ phiếu, thực hiện quyền làm chủ của chính mình.
Những ngày này, ông Phạm Ngọc Tưởng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban bầu cử xã Chương Dương (huyện Thường Tín, Hà Nội) thường về nhà muộn bởi lúc nào cũng tất bật với công tác chuẩn bị bầu cử. Hôm nay (21/5), sau khi kiểm tra kỹ lưỡng ở các tổ bầu cử, ông thở phào: “Mọi chuyện đã hoàn tất cả, chỉ đợi ngày mai cử tri đi bỏ phiếu…”

Để chuẩn bị cho ngày hội toàn dân ở xã Chương Dương, nhiều ngày nay, các cán bộ trong Ủy ban bầu cử phải làm việc khá vất vả.

Từ công tác vận động, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, niêm yết danh sách cử tri, treo băngrôn, khẩu hiệu, cờ tổ quốc trên các trục đường chính của xã, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri và ứng cử viên, treo cờ Tổ quốc… đều được tiến hành cẩn thận và tỷ mỉ.

Cách đây một tuần, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã triển khai tới các ban công tác mặt trận của thôn tổ chức Hội nghị mạn đàm về tiểu sử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là cơ hội để các cử tri hiểu rõ hơn về năng lực, trình độ của các ứng cử viên, giúp họ có sự cân nhắc khi lựa chọn phiếu bầu cho những ứng cử viên ưu tú.

Ngày hôm nay, ông Tưởng và các thành viên của Ủy ban bầu cử xã phải đi đến 6 tổ bầu cử để đôn đốc, hướng dẫn trang trí nơi bầu cử theo đúng quy định. Mọi công tác về cơ sở vật chất như ảnh bác, bàn ghế, hòm phiếu cũng được kiểm tra một cách kỹ càng. Các tổ làm nhiệm vụ trang trí khu vực bỏ phiếu theo đúng hướng dẫn. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất: băngrôn, cờ, ảnh Bác, khẩu hiệu, bàn ghế, hòm phiếu…

“Chúng tôi đã cấp hơn 3.500 thẻ đến tận tay cử tri của xã. Nhiều người đi làm xa cũng cho biết đã tìm hiểu về các ứng cử viên và sẽ về bầu cử,” ông Tưởng phấn khởi.

Cũng theo ông, ở mỗi tổ bầu cử đều được chuẩn bị 1 hòm phiếu chính và 2 hòm phiếu phụ. Theo đó, khi hòm phiếu chính đầy, thì một hòm phiếu phụ sẽ được thay vào.

Hòm phiếu phụ còn lại sẽ được thành viên tổ bầu cử mang đến tận nhà những cử tri tàn tật, ốm đau, già yếu… để họ được bầu trực tiếp. Đây là một trong những nhiệm vụ mà Ủy ban bầu cử của xã đã quán triệt đến các thành viên tổ bầu cử không được lơ là, giúp các cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Mặc dù trong nhiều năm nay, xã Chương Dương không có hiện tượng vận động phiếu bầu. Song để bảo đảm sự công bằng, thành viên của mỗi tổ bầu cử đều được lựa chọn là người sinh sống ở từng thôn, xóm ấy. Điều này sẽ bảo đảm họ “thuộc mặt” người trong làng, từ đó có trách nhiệm theo dõi từng cử tri, bảo đảm mỗi người chỉ bỏ một phiếu để buổi bầu cử diễn ra đúng luật.

Ngoài ra, lực lượng công an viên của xã cũng được huy động, rải đều ở 6 tổ bầu cử để giữ gìn trật tự an ninh nơi bầu cử.

Ông Tưởng cũng bảo, cho đến hiện tại, điều lo lắng nhất của ông không phải là việc người dân đi bỏ phiếu ít, bởi qua những lần tiếp xúc cử tri, ông thấy rất rõ tinh thần của họ. Công tác chuẩn bị thì đã hoàn tất, nên điều ông lo chính là việc thời tiết mấy hôm nay nắng mưa thất thường. Ngày mai, nếu thời tiết không thuận lợi, sẽ phần nào cản trở các cử tri đi bầu cử.

Cùng với nỗi lo trên, bà Đỗ Thị Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thường Tín cũng cho phóng viên Vietnam+ hay, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị của cả huyện phía Nam của Thủ đô đã hoàn tất.

Trên thực tế, cả huyện Thường Tín có 212 tổ bầu cử (thuộc 28 xã, 1 thị trấn), không có tổ nào thực hiện thiếu sót, hoặc chậm tiến độ.

“Đoàn kiểm tra của thành phố Hà Nội, huyện Thường Tín đã đi kiểm tra các khâu cuối cùng của các tổ bầu cử và thấy tất cả đã làm đúng yêu cầu. Chúng tôi chỉ mong ngày mai thời tiết tốt để các cử tri đi bầu cử đúng luật, lựa chọn ra người đại diện cho mình,” bà Thái nói./.

Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục