Chìm vì nợ công của Mỹ

Nợ công của Mỹ đã nhấn chìm chứng khoán châu Á

Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch 14/7, bất chấp màu xanh tăng trên các sàn chứng khoán Phố Wall, châu Âu ở phiên 13/7.
Chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên giao dịch ngày 14/7, bất chấp màu xanh tăng trên các sàn chứng khoán Phố Wall và châu Âu trong phiên trước (13/7).

Hãng xếp hạng tín dụng Moody's (Mỹ) cảnh báo có thể sẽ hạ mức đánh giá tín dụng của Mỹ khỏi mức cao nhất hiện nay, làm dấy lên lo ngại về khả năng vỡ nợ của Washington.

Ngoài ra, các nhà đầu tư đang tỏ ra khá thận trọng trong bối cảnh chờ đợi thông tin về doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 6, được công bố vào cuối ngày 14/7. Số liệu này có thể sẽ cho thấy một sự phục hồi chậm chạp trong chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.

Với hàng nghìn tỷ USD nợ nước ngoài, việc nền kinh tế lớn nhất thế giới này có khả năng bị hạ mức tín nhiệm tín dụng sẽ đẩy các thị trường tài chính toàn cầu rơi vào vòng suy giảm.

Đóng cửa phiên ngày 14/7, một màu đỏ trải dài trên hầu khắp các sàn chủ chốt trong khu vực.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei - 225 để mất 27,02 điểm, tương đương 0,27%, xuống 9.936,12 điểm, với cổ phiếu của các nhà xuất khẩu đi xuống do đồng yên tăng mạnh so với đồng bạc xanh.

Đồng USD bắt đầu đà đi xuống sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các nghị sỹ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã họp sang ngày thứ tư liên tiếp mà chưa đi đến một thỏa thuận thống nhất về việc nâng trần nợ của nước Mỹ và giảm thâm hụt ngân sách.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa không đồng ý nâng khoản nợ 14,29 nghìn tỷ USD của nước Mỹ lên mức trần mà không kèm theo việc cắt giảm mạnh tay các chi tiêu của chính phủ.

Họ cũng phản đối yêu cầu của đảng Dân chủ rằng việc tăng thuế phải là một phần của bất kỳ kế hoạch cắt giảm thâm hụt nào.

Đồng bạc xanh còn yếu đi sau phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke tại phiên điều trần trước Quốc hội ngày 13/7, theo đó ông Bernanke để ngỏ khả năng có thể có một gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, vào cuối phiên 14/7, đồng bạc xanh đã có lúc phục hồi trước những đồn đoán cho rằng có thể Chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ. Nhưng sự phục hồi này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi và đồng USD lại tiếp tục chìm xuống.

Một số chuyên gia nhận định, kể cả có sự can thiệp của Tokyo, xu hướng tăng giá của đồng yên và mất giá của đồng USD vẫn sẽ không thay đổi.

Chốt phiên, cổ phiếu của một loạt nhà xuất khẩu Nhật Bản đi xuống, với Sony giảm 1,02%, Toyota mất 0,74%; Nikon trượt 0,82%.

Cùng mất điểm với Nikkei - 225 là S&P/ASX200 của Australia với mức giảm 0,53% (24,1 điểm) xuống 4.490,7 điểm; các sàn chứng khoán Đài Loan và New Zealand "bốc hơi" lần lượt 6,71 điểm và 0,43%.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng trong phiên 14/7 trong khu vực, dù các mức tăng khá nhẹ, trên các sàn chứng khoán như Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc và Philippines, với các mức tăng lần lượt là 14,97 điểm, 13,32 điểm, 0,43 điểm và 19,55 điểm.

Nhìn chung, các thị trường tài chính toàn cầu hầu hết đi xuống trong tuần này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực Eurozone tiếp tục xấu đi, khả năng vỡ nợ tại Hy Lạp gia tăng và lan rộng sang Italy và Tây Ban Nha.

Những quan ngại này càng sâu thêm sau khi Fitch - trở thành hãng cuối cùng trong bộ ba hãng xếp hạng tín dụng - hạ bậc xếp hạng của Hy Lạp xuống mức "bỏ đi" vào thời điểm các quan chức châu Âu đang cố gắng cứu nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục