Hai "đầu tàu" kinh tế không kìm được mức tăng CPI

Dù giá tiêu dùng ở TPHCM và Hà Nội chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm, nhưng CPI cả nước vẫn tăng 0,23% do việc tăng giá học phí, xăng dầu và thuốc.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù CPI tháng 8 của hai “đầu tàu” kinh tế là Thành phố Hồ Chí Minh  giảm 0,25% và Hà Nội tăng rất nhẹ là 0,15% nhờ triển khai quỹ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, nhưng vẫn không đủ sức “ghìm” mức tăng giá tại nhiều địa phương.

Đáng chú ý, việc tăng giá học phí, giá lương thực, giá xăng dầu, giá thuốc…trong tháng 8 đã có tác động ngay, tức thì đẩy CPI cả nước tăng lên rõ rệt.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, với việc giá cả nhiều nhóm hàng thiết yếu tăng rõ rệt, đặc biệt là sự “bất ngờ” quay đầu tăng mạnh của nhóm lương thực đã khiến cho CPI tháng 8 của cả nước tăng 0,23% so với tháng 7; tăng 8,18% so với tháng 8/2009.

Với đà tăng này, CPI trong tám tháng qua đã tăng 5,08% so với tháng 12/2009 và tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2009.

CPI tháng 8 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung. Dẫn đầu là nhóm giáo dục với mức tăng “kỷ lục” là 1,29%. Tiếp đến là các nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,51%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,41%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,38%; giao thông tăng 0,37%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27%, trong đó, giá lương thực đang từ mức giảm 0,97% (tháng 7) đã tăng tới 0,67%...Tăng thấp nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức 0,07%. Nhóm bưu chính viễn thông vẫn tiếp tục giảm mạnh tới 4,55%.

Tổng cục Thống kê dự báo CPI tháng 9 sẽ tiếp tục đà tăng rõ rệt của tháng 8 bởi các tác động của tăng giá xăng, giá học phí cũng như tháng 9 trùng với tháng mà nhu cầu tiêu dùng tăng cao do có khai giảng năm học mới, Quốc khánh, rằm Trung thu…

Thêm vào đó, Việt Nam đang trong mùa bão lũ và những tác động bất lợi của thiên tai tàn phá có thể sẽ là nguyên nhân khiến cung cầu các mặt hàng thiết yếu bị mất cân đối, dẫn tới giá cả tăng đột biến. Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu như sữa, thuốc, xăng dầu…tăng giá.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, từ nay đến hết năm 2010, cùng với hai thành phố đầu tàu kinh tế, các thành phố lớn khác cần khẩn trương triển khai ngay mô hình quỹ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương đang tập trung chỉ đạo các Sở Công Thương của các thành phố lớn và một số ngành chức năng tiếp tục triển khai công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, đảm bảo cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá vào cuối năm. Bộ Công Thương cũng đã giao Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối phối hợp với các Sở Công thương một số tỉnh, thành phố lớn triển khai đề án áp dụng mô hình bình ổn giá của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước những diễn biến giá thóc gạo tăng tại thị trường phía Nam, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội lương thực Việt Nam tăng cường thu mua thóc gạo trong dân hoàn thành kế hoạch xuất khẩu; đồng thời tăng cường dự trữ để đảm bảo bình ổn giá gạo trong nước.

Trong tháng 8, giá vàng trên thị trường đã quay đầu giảm 0,88% so với tháng 7; nhưng vẫn tăng 32,35% so với cùng kỳ 2009; đưa giá vàng trong 8 tháng tăng 1,27% so với tháng 12/2009 và tăng 37,78% so với cùng kỳ 2009.

Không cùng nhịp với vàng, giá USD trên thị trường tiếp tục tăng 0,48% so với tháng 7 và tăng 5,41% so với cùng kỳ 2009 do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá giữa USD và đồng Việt Nam, do các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động và đẩy mạnh thu mua đôla Mỹ. Với nhịp tăng này, giá USD 8 tháng qua đã tăng 1,27% so với tháng 12/2009 và tăng 7,05% so với cùng kỳ 2009./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục